Với tấm bằng cử nhân cơ khí, Phan Thanh Nam (trú tại làng Kueng Đơn, xã H'Bông, Chư Sê, Gia Lai) từng đi làm thuê ở nhiều công ty lớn – nhỏ khác nhau. Đi làm thuê, anh luôn đấu tranh tư tưởng và suy nghĩ về việc có nên nghỉ làm hay không để trở về quê khởi nghiệp. Bởi đi làm thuê, anh có cơ hội được thỏa chí sáng tạo, thể hiện năng lực của bản thân và không quá vất vả, còn khi trở về quê khởi nghiệp anh lại được gần gũi gia đình, sống trong tình cảm các thành viên trong gia đình.
“Thật sự, tôi là người trọng tình cảm, rất muốn làm việc gì có thể gần mọi người trong gia đình nhất. Nhưng đây lại là quyết định ảnh hưởng nhiều đến tương lai nên tôi nghĩ rất nhiều và phải đấu tranh tư tưởng”, anh cho hay.
Từ bỏ việc văn phòng ngồi mát kiếm tiền, 9x lại lựa chọn về trồng cây và chăn nuôi.
Đến Tết 2020, anh đã quyết định trở về quê sau khi chứng kiến người cô ruột qua đời – người đã nuôi dạy anh từ khi còn nhỏ. “Lúc này, tôi cảm thấy không có gì quý giá hơn tình cảm gia đình. Tôi không muốn đến một ngày mình phải thốt lên 2 từ “giá như” nữa. Bởi đối với tôi, gia đình mới thực sự quý giá nhất”.
Trước quyết định này, anh gặp không ít những câu hỏi của họ hàng: “Sao lại bỏ việc ở TP.HCM về làm nông nghiệp?”, “Bỏ bao nhiêu năm học tập mà chỉ về làm nông nghiệp?”…
Ngay khi trở về, anh đã định hướng con đường đi tiếp của mình là phát triển mảng nông nghiệp. Vì anh cho rằng gia đình anh làm nghề nông nên ngay từ nhỏ anh đã được tiếp xúc và phụ giúp cô làm vườn, chăn nuôi và làm nương rẫy. Khi còn học cấp 2, anh đã tự tay nuôi được 1 bầy gà từ 2 con gà cô anh tặng.
“Một phần đã có chút kinh nghiệm và yêu thích về nông nghiệp, phần khác tôi mong muốn thay đổi lối tư duy làm nông nghiệp sang hướng sạch, an toàn cho sức khỏe và môi trường. Một nguyên nhân nữa là gia đình có quỹ đất vườn rất rộng, đã có cây trồng chủ lực, có nguồn thu nhập, dựa vào đó phát triển sẽ nhanh hơn”, anh Nam lý giải về việc lựa chọn làm nông nghiệp để khởi nghiệp.
Vừa trồng hồ tiêu và cà phê, anh còn nuôi thêm bò và dê để có thêm thu nhập.
Ở vườn nhà anh, cây hồ tiêu và cà phê là cây chủ lực về kinh tế. Anh dựa vào đó để phát triển. Ngoài ra, anh mua thêm một số con vật như dê, bò, gà… về nuôi để thêm thu nhập.
Dù điều kiện khá thuận lợi, anh Nam lại gặp vấn đề khó khăn đó chính là sức khỏe. Từ một nhân viên văn phòng, anh quen ngồi văn phòng 8 tiếng máy lạnh/ngày nên ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Giờ anh phải làm việc tay chân, dầm mưa dãi nắng, anh chưa thể thích nghi được. Hơn nữa, khi bắt tay vào khởi nghiệp, anh mới thấy kinh nghiệm của mình vẫn còn ít, nhiều tình huống chưa xử lý được.
Bao khó khăn lúc ban đầu cũng qua đi, anh giờ đã có chút kinh nghiệm và lợi nhuận từ mô hình này.
“Tôi nhớ nhất là đàn dê đầu tiên nuôi, do không có kinh nghiệm nên đã làm chết một số dê trưởng thành và dê con. Vì tôi mua toàn dê chưa đẻ lứa nào nên chúng sinh rất khó mà tôi lại không biết khi nào chúng đẻ. Tôi làm chết cả dê mẹ lẫn dê con. Đến khi dê sinh ra, tôi lại không biết cách chăm cũng làm chết một vài con dê sơ sinh”, anh buồn rầu kể lại.
Dần dần, anh đã có kinh nghiệm hơn trong việc chăn nuôi và trồng trọt, mọi việc diễn ra suôn sẻ hơn. Năm 2020, anh thu về khoảng trăm triệu nhờ cây trồng trong vườn. Anh cho rằng số tiền này vẫn chưa có nhiều nhưng anh đã trả được số tiền vay vốn ban đầu khởi nghiệp là 170 triệu đồng. Theo anh, hơn 1 năm quyết định trở về quê, anh chưa lần nào cảm thấy hối hận với quyết định này mà ngược lại, anh cảm thấy hướng đi này đúng đắn và phù hợp với bản thân.
Thời gian tới, anh dự định sẽ xây dựng 1 mô hình vườn – ao - chuồng với đa dạng cây trồng và vật nuôi, tạo một hệ sinh thái khép kín, giảm chi phí và tăng lợi nhuận.