Trong những năm tháng tuổi 20, bạn thiết lập nền tảng tài chính và tạo dựng các thói quen tốt. Ở tuổi 30, cuộc sống của bạn thay đổi với những sự kiện lớn như kết hôn, sinh con và gây dựng sự nghiệp. Ở tuổi 40, mọi thứ thậm chí còn vất vả hơn khi phải nuôi dạy con cái và chăm sóc cha mẹ già.
Do đó, có nhiều sai lầm bạn cần tránh khi bước vào lứa tuổi trung niên để bảo vệ nền tảng tài chính cũng như chăm sóc cho gia đình trước khi nghĩ về việc nghỉ hưu ở tuổi 50-60. Dưới đây là 9 sai lầm về tiền bạc cần tránh ở tuổi 40.
Mua nhà vượt khả năng tài chính
|
Ảnh: Getty Images. |
Khi gia đình phát triển, căn nhà từ những ban đầu sẽ không thể đáp ứng được hết các nhu cầu ngày càng lớn của gia đình. Bạn muốn các con có nhiều không gian để chạy nhảy, muốn chúng lớn lên trong khu dân cư có nhiều đứa trẻ cùng trang lứa.
Điều này đồng nghĩa với việc bạn cần có một căn nhà lớn hơn, sân rộng hơn ở khu vực dân trí cao hơn và một khoản vay nợ mua nhà lớn hơn, chi phí bảo trì và thuế má cao hơn.
Tuy nhiên, hãy cẩn trọng với việc mua nhà nằm ngoài khả năng tài chính của bạn, nên thực tế với ngân sách của mình và tránh đổ tất cả tiền tiết kiệm để mua nhà.
Thiếu khôn ngoan khi vay nợ
Hãy cân nhắc thời gian của các khoản vay thế chấp, tốt hơn hết là khoảng 15 năm. Bởi với các khoản vay kéo dài tới 30 năm, bạn chỉ phải trả một khoản nhỏ mỗi tháng đồng nghĩa với việc bạn phải trả nợ tới tận những năm 60-70 tuổi. Chưa kể, bạn sẽ phải trả nhiều tiền lãi hơn.
Chi tiêu quá nhiều vào con cái
Bạn thường có những danh sách dài cần phải chi tiêu cho bọn trẻ như gia sư, chơi thể thao, học nhảy, học phí trường tư, trại hè… Rất khó để nói “không” với những nhu cầu và đam mê của bọn trẻ. Thông thường, ta thực sự muốn làm mọi thứ cho con cái, không chỉ bởi ta yêu chúng mà còn bởi bố mẹ của bạn bè chúng, hàng xóm đều làm vậy.
Tuy nhiên, bước vào tuổi 40 là thời điểm tốt để đánh giá lại các giá trị tiền bạc đối với bạn và dạy bọn trẻ về xây dựng hệ thống giá trị của bản thân mình. Bằng cách đó, cả gia đình sẽ chi tiêu thời gian và tiền bạc vào thứ thực sự quan trọng, thay vì chỉ làm theo những gì hàng xóm đang làm.
Không tiết kiệm để nghỉ hưu mà dành cho con học đại học
|
Ảnh: Flickr. |
Nhiều bậc cha mẹ muốn ưu tiên việc dành tiền cho con học đại học và đó là điều hết sức bình thường. Nhiều người từ bỏ mục tiêu tiết kiệm cho nghỉ hưu để làm điều đó.
Tuy nhiên, thực tế là con cái bạn có thể vay tiền để học đại học nhưng bạn không thể vay tiền để nghỉ hưu.
Có thể bạn cho rằng con cái sẽ có nghĩa vụ chu cấp khi bạn già, nhưng hãy nhớ rằng rồi chúng cũng sẽ có con cái. Việc đó sẽ là gánh nặng cho chúng trong tương lai.
Món quà thực sự dành cho con cái là ưu tiên chuẩn bị tài chính cho bản thân bạn khi nghỉ hưu, sau đó mới dành tiền cho chúng học đại học.
Không có quỹ khẩn cấp đủ lớn
Không giống như những năm tuổi 20, giờ đây bạn đã có gia đình và có rất nhiều những khoản chi tiêu cũng như phát sinh ngoài dự kiến. Và thường đó là những khoản lớn.
Ví dụ, khi còn trẻ và mất việc, bạn vẫn có thể dễ dàng tồn tại trong vài tháng vì chỉ có một mình. Tuy nhiên, giờ đây, bạn có hàng tá khoản phải chi tiêu như tiền nợ mua nhà, mua xe và 3 đứa con. Do đó, hãy tạo một quỹ bằng khoảng 3-6 tháng chi tiêu để dùng trong các trường hợp khẩn cấp.
Không tận dụng điểm thưởng thẻ tín dụng
Nếu bạn dùng thẻ tín dụng đồng nghĩa với việc bạn có điểm tín dụng tốt và thanh toán đầy đủ các khoản đã tiêu mỗi tháng.
Do đó, hãy tận dụng điểm thưởng của thẻ tín dụng một cách khôn ngoan để chi tiêu tiết kiệm hơn. Ví dụ, bạn có thể dùng tiền được hoàn hoặc điểm thưởng hoặc chính sách giảm giá cho các chuyến du lịch.
Không có kế hoạch về tài sản
|
Ảnh: Getty Images. |
Nhiều người phải rất vất vả để chia tài sản với anh chị em sau khi cha mẹ qua đời vì không có di chúc. Do đó, mỗi người nên xây dựng một kế hoạch về tài sản sau khi mình qua đời hoặc rơi vào tình trạng mất năng lực và không thể làm việc. Việc đó sẽ giúp con cái bạn tránh được nhiều vất vả và đau buồn sau này.
Không bảo vệ tài sản khi ly hôn
Không may là ly hôn xảy ra với nhiều gia đình và việc này có thể gây ảnh hưởng lớn về mặt tài chính, đặc biệt là với phụ nữ.
Thông thường, trong gia đình, một người sẽ nắm giữ tất cả tiền bạc để chi tiêu và người còn lại thường gặp rất nhiều trở ngại khi hôn nhân chấm dứt. Do đó, cả hai vợ chồng nên cùng nhau tham gia vào vấn đề tài chính của gia đình.
Không chia sẻ với cha mẹ về vấn đề tài chính của họ
Việc thu xếp tài sản của mình cho con cái là cần thiết, nhưng bạn cũng cần chia sẻ với cha mẹ về vấn đề tài chính của họ.
Người già thường dễ bị sa vào các vụ lừa đảo bởi họ không nắm được các cách quản lý tài chính hiện đại. Chưa kể, họ có thể bị suy giảm trí lực vì tuổi già. Vì vậy, hãy ở bên cha mẹ để hỗ trợ họ khi đưa ra các quyết định tài chính.