Bán 700 tấn “vàng trắng”, thu 9 tỷ đồng
Chiều tháng 3, sau một cơn mưa rào vào cuối buổi sáng, thị trấn Nông trường Mộc Châu (Sơn La) như bừng tỉnh với những cánh đồng cỏ mạch ngút ngàn, xanh mướt, với những đàn bò đang nhởn nhơ vừa ăn cỏ vừa nghe nhạc trong ánh nắng dịu dàng.
Dạo một vòng quanh trang trại bò của mình, vừa đi ông Bùi Duy Minh - một hộ chăn nuôi bò ở thị trấn Nông trường, vừa dặn những người lao động này đem thêm cỏ đến cho bò ăn, rồi người lao động kia phải tắm cho bò thật sạch sẽ để chuẩn bị cho vào vắt sữa.
Ông cho biết, nuôi bò sữa thì ngày 2 lần phải tắm táp cho chúng sạch sẽ để đến giờ còn vắt sữa rồi đem đi bán cho kịp. Vắt sữa sớm hay muộn một chút cũng không được. Sữa vắt ra phải đem bán ngay, để lâu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng.
|
Bò sữa là nghề chính của người nông dân tại thị trấn Nông trường Mộc Châu mấy chục năm nay. |
“Trước đây, tôi thường phải dậy từ 3h sáng do vắt sữa bò bằng tay, giờ vắt bằng máy một lúc là được hàng tấn sữa”. Ông Minh khoe, nhà ông có 84 con bò, trong đó có 40 con cho sữa với sản lượng hơn 1 tấn/ngày. Năm ngoái, đàn bò của ông cho thu gần 300 tấn sữa, doanh thu đạt khoảng 3,5 tỷ đồng. Trừ chi phí chăn nuôi, thuê mướn nhân công ông lãi hơn 1 tỷ đồng.
Chỉ vào chiếc 2 chiếc xe ô tô đỗ ngay trước cửa nhà, ông Minh tiết lộ, một cái là của ông, một cái là của con trai ông. Hai chiếc xe giá trị tầm 1 tỷ, mua bằng số tiền ông trích ra từ tiền lãi khi bán sữa cách đây 5 năm để làm phương tiện đi lại.
Dù doanh thu lên tới vài tỷ đồng mỗi năm, song theo ông Minh, trại nhà ông chưa phải là trại quy mô lớn. Có nhiều hộ còn thu cả chục tỷ đồng mỗi năm.
Đúng như lời ông Minh nói, vào trang trại của nhà anh Nguyễn Văn Quang cách đó không xa, thấy cả một đàn bò đông đúc lên tới mấy trăm con. Những con bò đang xếp hàng chờ được vắt sữa. Nhân công việc luôn tay luôn chân, mùi sữa tươi vừa vắt ra ấm nóng, thơm lừng.
Trại bò này anh Quang kế thừa của bố mẹ anh. Tổng đàn bò lên tới hơn 200 con bò sữa các loại, trung bình ngày cho 2,2 tấn sữa.
“Mọi người hay nói vui rằng sữa chính là “vàng trắng”. Lát nữa vắt sữa xong, tôi sẽ chở cả tấn “vàng trắng” ra điểm thu mua để cân bán cho công ty”, anh Quang nói. Ngày 2 lần đem sữa đi bán, đến cuối tháng anh mới qua công ty cộng sổ tính tiền đem về.
Như năm 2017, đàn bò gia đình anh cho gần 700 tấn sữa, thu về hơn 9 tỷ đồng, chưa kể tiền thưởng của công ty do sữa đạt loại A. Tính ra, tháng nào anh cũng đếm tiền mỏi tay, nhưng lãi thì chỉ 30% trong số đó. Tức, năm vừa rồi gia đình anh lãi khoảng 3 tỷ đồng.
Năm nay, số lượng bò cho sữa nhiều hơn, dự kiến lượng sữa thu cả năm đạt gần 800 tấn. Tính theo giá sữa hiện tại, anh sẽ thu được trên 10 tỷ đồng.
Tỷ phú 365 ngày vẫn ở trại dọn phân bò
Theo ông Nguyễn Đức Nguyên, Trưởng ban tuyên giáo huyện ủy Mộc Châu, ở thị trấn Nông trường Mộc Châu, nuôi bò sữa là nghề chủ lực ở đây. Nhờ đó, có nhiều hộ thu 300 triệu đồng tiền lãi/năm, thậm chí hàng tỷ đồng. Có địa phương cả làng là tỷ phú như đội 19/5 ở thị trấn này.
Thế nhưng, để được đếm tiền mỏi tay, hay để thành những làng tỷ phú như Trưởng ban tuyên giáp huyện ủy Mộc Châu nói, người nông dân chăn bò nơi thảo nguyên xanh này cũng đổ mồ hôi, sôi nước mắt quanh năm ngày tháng vất vả bên chuồng bò.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp thu mua sữa ở Mộc Châu,thị trấn này có gần 600 hộ nuôi bò sữa thì cả 600 hộ đều là tỷ phú. Song, khác xa với hình ảnh tỷ phú thường thấy với giày da bóng loáng, mặc đồ là lượt, những nông dân tỷ phú ở Mộc Châu vẫn đóng bộ quần áo công nhân màu xanh, chân đi ủng nhựa và ngày ngày cần mẫn băm cỏ, dọn phân bò,...
Như anh Nguyễn Văn Quang, dù là tỷ phú nhưng từ cắt băm cỏ, dọn phân bò hay tắm cho bò anh đều xắn tay làm chứ không có chuyện đứng khoanh tay chỉ đạo.
Nói đến chuyện mỗi năm thu cả 700 tấn sữa, đem về cả gần chục tỷ đồng ai cũng thích. Tuy nhiên, để có được thành quả đó những người như anh Quang phải làm việc cật lực ngày 14 tiếng đồng hồ.
Những nghề khác còn có ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ tết. Nhưng nuôi bò thì 365 ngày phải ở cạnh chuồng bò. Ngày nào, họ cũng dậy từ 4h30 sáng để tắm cho bò, vệ sinh các dụng cụ vắt sữa; sau đó vắt sữa bò, đem sữa bò đi cân bán; tầm 7h30-10h lại bắt đầu vệ sinh chuồng trại, chở chất thải đem đi ủ ướp, cắt băm cỏ cho bò. Buổi chiều, công việc lại lắp lại như vậy và kết thúc vào lúc 6h30 tối khi đã hoàn tất việc cân bán sữa, vệ sinh máy móc, bổ sung thức ăn cho bò.
“Không được nghỉ dù một ngày vì ngày nào bò cũng phải vắt sữa, ngày nào cũng phải cho ăn đầy đủ bất kể nắng mưa, giá rét. Chưa kể lúc chúng tôi canh bò đẻ phải thức xuyên đêm”, anh nói.
Ông Bùi Duy Minh, năm nay đã ngoài 70, cũng theo nghiệp nuôi bò được gần 30 năm, song chưa một lần nào gia đình ông có một chuyến du lịch nghỉ ngơi vì lúc nào cũng phải có người ở trại canh bò.
Theo ông Minh, nuôi bò sữa như chăm con mọn, phải cẩn thận và tỉ mỉ. Chỉ cần làm sai, làm không đúng quy trình đến lúc sữa vắt ra không đạt chuẩn có thể phải đổ bỏ. Lúc đó, mình là người thiệt chứ không phải ai khác.
Thế nên, dù có là tỷ phú, có tiền tỷ, ở nhà lầu, đi xe hơi thì những người nông dân chăn bò vẫn chăm chỉ làm việc trong trại bò của mình, ngày này qua ngày khác.