Dưới đây là một số lời khuyên bạn có thể bắt đầu ngay ngày hôm nay.
1. Hiểu rằng bạn hoàn toàn có thể có mối quan hệ tích cực với tiền bạc
Sự thay đổi trong tình hình tài chính của chúng ta bắt đầu bằng sự thay đổi trong cách chúng ta nghĩ về tiền bạc. Loại bỏ mọi cảm giác tiêu cực như bất an hoặc sợ hãi về tiền bạc có thể giúp loại bỏ những trở ngại có thể cản trở việc cải thiện tình trạng tài chính của mình.
Người Úc lo lắng về tiền hơn bất cứ điều gì khác trong cuộc sống. Tài chính thường xuyên đứng đầu danh sách các mối quan tâm của họ, theo nghiên cứu từ Hiệp hội Tâm lý Úc.
Mối quan hệ của bạn với tiền bạc không cố định, nó là mối quan hệ có thể "tiến hóa" trong suốt cuộc đời của bạn. Đây là ba điều quan trọng về tâm lý đằng sau mối quan hệ của bạn với tiền bạc:
Tiền là về cảm xúc, không chỉ là tài chính.
Lo lắng hoặc trốn tránh các vấn đề về tiền bạc có thể tạo ra một vòng luẩn quẩn.
Quá trình lớn lên của bạn có thể ảnh hưởng đến cách bạn quản lý tiền của mình.
Với nhận thức, hiểu biết sâu sắc và kiến thức, bạn có thể bắt đầu làm gì đó để đưa ra những quyết định đúng đắn về tiền bạc của mình.
2. Biết bản thân đang tiêu tiền vào đâu
Thực hiện các bước nhỏ có thể kiểm soát được có thể giúp bạn phát triển một hành vi hoặc thói quen mới. Hãy thử theo dõi mọi thứ bạn chi tiêu trong một khoảng thời gian ngắn, chẳng hạn như trong tháng tới. Tại sao? Nó có thể cung cấp cho bạn thông tin chi tiết về cách bạn tiêu tiền ở hiện tại và có thể làm giúp bạn nhìn ra được sự tăng lên theo thời gian của việc chi tiêu những số tiền nhỏ.
Ví dụ: nếu bạn mua một ly cà phê có giá 50.000, năm ngày một tuần trong một năm, vậy thì sau một năm, bạn sẽ tiêu hết khoảng 12 triệu chỉ cho tiền cà phê. Việc theo dõi cũng có thể giúp bạn nhận ra những lĩnh vực chi tiêu không được kiểm soát, chẳng hạn như trả tiền cho đăng ký nhiều dịch vụ phát trực tuyến kỹ thuật số mà bạn có thể không sử dụng. Hãy thử ghi lại mọi giao dịch trong nhật ký tiêu tiền của bạn, bạn có thể thực hiện nó trên giấy, nhật ký, tài liệu hoặc máy tính hoặc ứng dụng của bạn.
3. Đặt mục tiêu tiết kiệm và ngân sách cần thiết để đạt được chúng
Việc thiết lập mục tiêu có thể được bắt đầu bằng việc nhìn về tương lai. Hãy hình dung tương lai mà bạn mong muốn càng chi tiết càng tốt. Bằng cách hình dung mục tiêu của bạn và mốc thời gian mà bạn muốn đạt được chúng, việc tạo ra các bước thực tế để đạt được chúng sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Khi lập kế hoạch cho các mục tiêu của bạn, điều quan trọng là phải xem xét:
Điều gì là quan trọng nhất?
Bạn muốn sống ở đâu?
Đâu là lối sống lý tưởng của bạn?
Đâu là sự cân bằng phù hợp giữa công việc và lối sống?
Bạn có thể cần thiết bị gì để giúp bạn làm việc và giải trí – chẳng hạn như máy tính xách tay?
Nơi bạn có thể muốn đi vào kỳ nghỉ?
Liệu bạn có muốn trải nghiệm cuộc sống và làm việc ở nước ngoài?
Một cách hiệu quả để giúp bạn đạt được mục tiêu của mình là đặt mục tiêu SMART (thông minh): Specific (Cụ thể), Measurable (Đo lường được), Achievable (Có thể đạt được), Realistic (Thực tế) và Time-bound (Có thời hạn).
Ví dụ, Linh có thể đặt cho mình mục tiêu sau:
Cụ thể: Tôi muốn đến thăm Tây Úc trong 10 ngày vào tháng 12 năm 2024 cùng chồng mình.
Đo lường được: Tôi muốn dành 10 ngày 9 đêm. Tôi muốn trả ít hơn 40 triệu cho vé máy bay, không quá 50 triệu cho chỗ ở và tổng ngân sách của tôi có thể không quá 150 triệu.
Có thể đạt được: Tôi cần tiết kiệm 150 triệu trong 18 tháng tới (khoảng 8 triệu/tháng) để thực hiện chuyến đi Tây Úc này. Tôi sẽ thiết lập một khoản phân bổ tiết kiệm hàng tháng, tiết kiệm tất cả ưu đãi hoàn thuế của mình và tìm những cách khác để tiết kiệm càng nhiều càng tốt.
Thực tế: Điều này gắn rất chặt chẽ với khả năng đạt được và cho phép tôi hình dung kết quả của những nỗ lực của mình. Thực tế có nghĩa là mặc dù tôi có thể mơ ước được ở tại một khách sạn năm sao, nhưng sẽ chẳng ích gì nếu điều đó sẽ tiêu tốn toàn bộ hoặc phần lớn ngân sách của mình và hạn chế tôi làm những điều khác tại điểm đến.
Có thời hạn: Chúng ta sẽ cần có 80 triệu trong số 150 triệu của mình trước tháng 1/2024 để mua vé máy bay và đặt trước chỗ ở (tôi không muốn để lại những khoản này cho đến phút cuối cùng).
Một ngân sách đơn giản có thể giúp bạn đạt được các mục tiêu về tài chính và lối sống, cho phép bạn đưa ra những lựa chọn hợp lý về cách tiêu tiền của mình. Nó có thể giúp bạn phân bổ chi tiêu để sống trong khả năng kinh tế của mình và hướng tới việc đạt được các mục tiêu như mua một chiếc ô tô mới. Hãy tạo thói quen kiếm tiền mới này bằng cách hoàn thành câu sau: "Nếu tôi lập và tuân thủ ngân sách, tôi sẽ có thể...".
Suy nghĩ về các mục tiêu cụ thể phù hợp với các giai đoạn hoặc sự kiện khác nhau trong cuộc sống của bạn và để chúng trở thành một nguồn động lực.
4. Xem xét việc áp dụng cách tiếp cận "ba phân nhóm" để lập ngân sách
Một trong những chìa khóa để lập ngân sách thành công là giữ nó thật đơn giản. Trước tiên, bạn cần biết số tiền sẽ "đến"- có thể là thu nhập sau thuế từ công việc hoặc các khoản đầu tư chẳng hạn như thu nhập lãi từ khoản tiết kiệm của bạn. Sau đó, bạn cần xem tiền của bạn đang "đi" đâu – tức chi tiêu của bạn. Khi bạn xem xét chi tiêu của mình, có ba phân nhóm quan trọng:
1. Cam kết: Bao gồm các khoản thanh toán mà bạn có rất ít quyền kiểm soát vì bạn có nghĩa vụ phải thanh toán, chẳng hạn như tiền thuê nhà, trả nợ, gói điện thoại, và các tiện ích như hóa đơn tiền điện của bạn.
2. Chi tiêu hàng ngày: Bao gồm những khoản như mua hàng tạp hóa, mua thực phẩm.
3. Chi phí không thường xuyên: Mọi thứ ngoài các cam kết và chi tiêu hàng ngày của bạn đều thuộc loại thứ ba này. Nó đại diện cho các chi phí mà chúng ta có thể kiểm soát bằng các hành vi của mình. Nó bao gồm số tiền bạn chi cho quần áo, quà tặng và giải trí.
Ngân sách chi tiêu theo hình thức "ba phân nhóm" rất dễ áp dụng và nếu bạn hành động đúng đắn, nó có thể tạo ra tác động tích cực đến tình trạng tài chính của bạn.
Khi bạn đã đặt ra mục tiêu, xác định thu nhập và chi phí cũng như xem xét các khoản trong ngân sách của mình mà bạn muốn quản lý, chẳng hạn như tiết kiệm, giờ là lúc thực hiện kế hoạch của bạn.
Để giảm thiểu chi phí không thường xuyên của bản thân, hãy thử tự hỏi: "Tôi có thực sự cần thứ này không?" Nếu câu trả lời cho câu hỏi này là "Không, nhưng tôi muốn nó" thì sau đó, hãy tự hỏi: "Tôi có muốn nó nhiều tới vậy không, nhiều tới mức có thể từ bỏ những thứ khác?". Sau đó, bạn có thể đưa ra lựa chọn, liệu bạn có mua thứ bạn muốn và không mua thứ gì khác hay quyết định rằng mặc dù bạn muốn thứ này, nhưng bạn sẽ đợi đến một thời điểm khác.
5. Lên kế hoạch cho những điều ngoài ý muốn
Một số người gọi đó là "tiết kiệm cho một ngày mưa", nhưng về cơ bản, đó là lập kế hoạch cho những điều ngoài ý muốn bằng cách dành ra một quỹ khẩn cấp. Đây là số tiền giúp bạn yên tâm rằng nếu có điều gì đó bất ngờ xảy ra - xe bị hỏng hoặc răng cửa của bạn bị sứt mẻ - thì bạn hoàn toàn có thể giải quyết được. Để ra một số tiền sẽ trang trải cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của bạn và một khoản trợ cấp cho những rủi ro, sau khi đã để ra số tiền đó, hãy tiếp tục tiết kiệm cho các mục tiêu khác của mình.
6. Cân nhắc đầu tư
Khi nói đến đầu tư tài chính, nếu bạn đã có quỹ hưu bổng của mình cũng như một kế hoạch tiết kiệm thường xuyên, và bạn vẫn còn một số tiền để dành, vậy thì bạn có thể cân nhắc đưa số tiền đó vào các khoản đầu tư khác để tối đa hóa lợi nhuận dài hạn của mình.
Khi bắt đầu xem xét các lựa chọn đầu tư, bạn sẽ rất dễ bị choáng ngợp bởi một lượng lớn các thông tin. Xem xét tới lời khuyên từ các chuyên gia là một lựa chọn hợp lý. Bạn càng có nhiều thông tin, bạn càng có thể tự tin khi đưa ra quyết định.
Với sự giúp đỡ phù hợp, bạn có thể đầu tư để tăng tài sản của mình và tạo ra lợi nhuận vốn dài hạn hoặc tạo ra nhiều dòng tiền hơn hoặc cả hai. Khi nói đến tiền bạc, thời gian là tài sản quý giá nhất của bạn. Các nhà đầu tư thành công nhất luôn ý thức được rằng để đạt được kết quả chất lượng tốt, việc đầu tư cần có thời gian. Vì vậy, một trong những quyết định đầu tư tốt nhất mà bạn có thể đưa ra là bắt đầu đầu tư sớm hơn để có thể có cơ hội đạt được mục tiêu của mình cao hơn. Khi xem xét kế hoạch đầu tư của mình, điều quan trọng là phải xem xét hai điều:
Thái độ của bạn đối với rủi ro. Đây phải là một trong những động lực chính cho các quyết định đầu tư của bạn vì bạn cần các khoản đầu tư giúp bạn ngủ ngon vào ban đêm trong khi vẫn có thể hướng tới các mục tiêu tài chính của mình.
Sự đánh đổi giữa rủi ro và lợi nhuận. Luôn luôn có một sự đánh đổi. Đây là sự đánh đổi giữa rủi ro mất tiền mà khoản đầu tư của bạn có thể mang lại và lợi nhuận mà bạn có khả năng nhận được. Nhìn chung, lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng cao.
Thói quen tiền bạc của bạn có thể dẫn đến thành công tài chính của bạn.
Thành công trong cuộc sống tài chính của bạn phụ thuộc vào thói quen tài chính của bạn. Chúng có giúp bạn thành công hay không? Bạn hoàn toàn có sự lựa chọn và khả năng thay đổi thói quen tiền bạc của mình, vậy thì tại sao không bắt đầu nó từ ngày hôm nay?