Nếu bạn đang băn khoăn về việc làm sao để tiết kiệm nhiều hơn từ thu nhập hàng tháng, có thể bạn nên bắt đầu với tiền cước điện thoại di động của mình.
Theo đại diện các nhà mạng, có rất nhiều cách để giảm chi phí sử dụng điện thoại di động, đặc biệt là với những chủ thuê bao gọi, nhắn tin nhiều.
1. Sử dụng gói khuyến mại gọi, nhắn tin
Các nhà mạng tại Việt Nam đều có những gói khuyến mại gọi và nhắn tin nội mạng, rất thích hợp với những người thường xuyên liên lạc với các số thuê bao cùng nhà mạng. Những gói cước này có giá cước rẻ gấp 5-10 lần so với cước gọi và nhắn tin mặc định.
Người dùng nên phân tích nhu cầu sử dụng để chọn cho mình gói khuyến mại gọi và nhắn tin hợp lý. Các nhà mạng thường có các gói chuyên để gọi, chuyên để nhắn tin hoặc đáp ứng cả hai nhu cầu.
2. Gói dữ liệu 3G, 4G
Nếu thường xuyên phải chi trả phần nhiều cước 3G, 4G cho các dịch vụ phổ biến như Facebook, Youtube, người dùng nên chuyển sang dùng các gói dữ liệu chuyên cho các dịch vụ này.
|
Youtube và Facebook thường là những ứng dụng ngốn nhiều dung lượng 3G, 4G của người dùng nhất. Ảnh: Ngô Minh. |
Các nhà mạng hiện đều có các gói 3G, 4G riêng cho Youtube và Facebook, thường bao gồm truy cập không giới hạn hai dịch vụ này hoặc có dung lượng truy cập rất nhiều mà người dùng khó có thể dùng được hết.
Đại diện nhà mạng cho hay việc sử dụng các gói 3G, 4G cho dịch vụ riêng biệt sẽ tránh dung lượng bị tính vào gói cước 3G, 4G chung cũng như cung cấp cho người dùng dung lượng tốc độ cao dồi dào để thoải mái sử dụng dịch vụ.
3. Sử dụng các dịch vụ Over the top (OTT)
Thay vì gọi điện, nhắn tin qua sóng điện thoại, người dùng có thể chuyển sang dùng các dịch vụ gọi và nhắn tin qua Internet (OTT) như Zalo, Messenger hay Skype để liên lạc thông qua wifi và hoàn toàn không mất cước phí như gọi và nhắn tin thông thường.
Do các dịch vụ OTT đã tối ưu hóa lượng dữ liệu sử dụng nên ngay cả khi bạn gọi và nhắn tin qua OTT bằng 3G, 4G, cước phí vẫn sẽ rẻ hơn sử dụng sóng điện thoại, tuy nhiên chất lượng cuộc sẽ không thể ổn định bằng do phụ thuộc vào chất lượng kết nối internet bạn đang dùng.
Theo anh Q. Toàn (Đống Đa, Hà Nội), từ lâu anh đã sử dụng các dịch vụ OTT thay vì nhắn tin thông thường. "Gọi qua mạng, chất lượng đôi khi còn chập chờn nhưng nhắn tin thì rất tốt. Tính ra một tháng mình tiết kiệm được khoảng 50.000 đồng tiền cước tin nhắn", anh Toàn cho hay.
4. Không gọi lại vào số lạ
Nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ viễn thông tá hóa khi thấy tiền cước của mình tăng đột biến mà nguyên nhân thường là gọi lại vào số lạ, đầu số nước ngoài.
Từ đầu năm 2017 tới nay, rất nhiều thuê bao đã nhận được các cuộc gọi từ những đầu số nước ngoài với nội dung thuê bao sắp bị khóa, vui lòng liên lạc lại. Hầu hết đầu số này đều mã điện thoại từ các nước châu Phi như Congo, Zimbabwe, Somalia…hay quốc đảo Nauru ở Nam Thái Bình Dương.
|
Các đầu số nước ngoài nháy máy thường lừa người dùng gọi lại để gian lận cước viễn thông quốc tế. Ảnh: Facebook "Cường Nguyễn". |
Các cuộc gọi này thường được thực hiện với thời lượng vài giây rồi tắt máy. Nếu khách hàng gọi lại cho các số điện thoại lạ và khi cuộc gọi được kết nối thành công, người nghe chỉ nghe thấy những âm thanh được cài đặt sẵn, sau đó tài khoản của họ sẽ lập tức bị trừ những khoản tiền rất lớn. Theo các nhà mạng, đây là hình thức gian lận cước viễn thông quốc tế.
Để tránh bị mất tiền oan do gọi vào đầu số lừa đảo, người dùng nên tránh gọi lại vào các số máy lạ, đặc biệt là các đầu số nước ngoài.
5. Quét các dịch vụ trừ tiền ngầm
Việc thuê bao thường xuyên bị trừ tiền "ngầm" hàng tháng vì những dịch vụ mà người dùng không mong muốn là khá phổ biến. Theo chuyên gia bảo mật, các dịch vụ này thường trừ ngầm từ 10.000 đến 30.000 đồng mỗi tháng. Khách dùng càng nhiều dịch vụ ngầm thì mức tiền cước trừ hàng tháng càng cao.
Để kiểm tra, quét các dịch vụ trừ tiền ngầm, người dùng có thể nhắn tin theo cú pháp sau để biết được người sử dụng đang sử dụng những dịch vụ giá trị gia tăng gì. Mẫu nhắn tin là TK gửi 123 với Vinaphone, TC gửi 1228 với Viettel và KT gửi 944 với MobiFone.