Sống tại Hà Nội, bị đòi trả cước điện thoại ở Quảng Ninh

Google News

Sống tại Hà Nội nhưng chị Nguyễn M.L bất ngờ bị nhân viên tổng đài thông báo khẩn trương nộp cước điện thoại bàn nợ số tiền là: 9.830.000 đồng. 

Sinh sống và làm việc ở Hà Nội, nhưng cách đây ít hôm, chị Nguyễn M.L (trú tại Đống Đa, Hà Nội) bất ngờ nhận được cuộc gọi hiện tên Tổng đài VNPT - bên kia đầu máy xưng là nhân viên trực tổng đài tên Nguyễn Vân Anh (số hiệu 2532) - thông báo chị L khẩn trương nộp cước điện thoại bàn nợ từ 3 tháng nay số tiền là: 9.830.000 đồng.
Theo phản ánh đến Báo Lao Động, chị L tố giác mình không hề đăng ký sử dụng dịch vụ số máy điện thoại bàn: 02038008xx (Quảng Ninh) như nhân viên trực tổng đài yêu cầu thanh toán. Từ vụ việc này, PV Báo Lao Động đã điều tra, bước đầu hé lộ chiêu thức lừa đảo, yêu cầu các khổ chủ nộp tiền cước điện thoại xuyên các tỉnh, thành phố.
Hé lộ chiêu thức lừa đảo
Trước cuộc hẹn làm việc với lãnh đạo Cty Viễn thông Quảng Ninh, PV Lao Động đã trực tiếp đến điểm giao dịch dịch vụ và thu cước điện thoại ngay tại tầng 1 Trung tâm Bưu điện TP.Hạ Long - trong vai khách hàng đến nộp cước điện thoại.
Khi PV Báo Lao Động yêu cầu kiểm tra số thuê bao cố định (02038008xx- dưới cái tên chủ thuê bao là chị Nguyễn M.L) - thì rất bất ngờ, sau vài phút kiểm tra, NV giao dịch Phạm Thị Lý - thông báo là không có số điện thoại này trên hệ thống của VNPT Quảng Ninh và cũng không có chủ thuê bao là chị Nguyễn M.L.
Để cho thật rõ ràng, chúng tôi yêu cầu nhân viên của Viễn thông Quảng Ninh kiểm tra kỹ lại trên hệ thống về số thuê bao và người đứng tên hợp đồng, nhưng sau mỗi lần kiêm tra, NV giao dịch đều lắc đầu không có sự tồn tại của số điện thoại này! Trước yêu cầu rà soát xem có người trùng tên không, một lúc sau chúng tôi nhận được là có một khách hàng cùng tên với chị Nguyễn M.L (sinh năm 1966, trú tại tập thể Thuế, TP. Hạ Long) - nhưng số thuê bao cố định hoàn toàn khác và không có phát sinh nợ cước...
Song tai Ha Noi, bi doi tra cuoc dien thoai o Quang Ninh
Ảnh minh họa
Nhiều người “dính bẫy”
Sau khi nhận được thông tin từ vụ việc, trao đổi với Lao Động, ông Phạm Văn Phúc - Phó GĐ Viễn thông Quảng Ninh khẳng định: Từ những nội dung yêu cầu đóng cước thuê bao (máy để bàn) mà thông tin Báo Lao Động cung cấp, chúng tôi khẳng định đây là một hình thức lừa khách hàng mà những đối tượng đang thực hiên. Theo ông Phúc, VNPT Quảng Ninh đã xác minh thông tin kể trên và làm rõ như sau: Số máy 02038008xx (vùng Quảng Ninh) là không có thật trên hệ thống.
Cụ thể, đầu số 800... là chưa có và số máy nêu trên thiếu mã số 3. Về họ - tên chủ thuê bao là Nguyễn M.L, VNPT xác nhận cói trường hợp trùng tên, nhưng đều có hộ khẩu tại Hạ Long và có số máy khác hoàn toàn.
“Theo nguyên tắc, bất cứ thuê bao nào sau mỗi tháng (t ư mùng 5-6 hàng tháng) nếu không nộp tiền cước, sẽ bị tạm khóa dịch vụ, nên không thể có trường hợp nợ cước 3 tháng liền như nội dung lừa đảo trên” - ông Phúc giải đáp. Cũng theo quy định ngành (Thông tư 04-Bộ TTTT) khi hợp đồng thuê bao đối với máy điện thoại bàn, khách hàng phải có chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu (trường hợp tạm trú, hay thuê nhà phải có người thân hoặc chủ nhà đứng bảo lãnh) mới được ký hợp đồng...
Lý giải về làm giả đầu số của VNPT và các đối tượng gọi điện đến thông báo nộp cước, lừa đảo khách hàng, theo đại diện Viễn thông Quảng Ninh: Từ năm 2015, trở lại đây một vài khách hàng đã phản ánh đến chúng tôi những dấu hiệu nêu trên, nhưng đều được giải đáp cặn kẽ, tránh khách hàng bị mất tiền và chúng tôi cũng đã gửi thông báo đến Cơ quan Công an, hệ thống tin nhắn mạng di động Vinaphone, web VNPT về những trường giả danh VNPT lừa tiền chủ thuê bao.
Trên thực tế, hình thức lừa đảo bằng thông báo nợ cước điện thoại như trên đã xuất hiện từ lâu tại các thành phố lớn như: Hà Nội, HCM, Đà Nẵng, Huế. Hải Phòng… Ngoài “bài” giả mạo VNPT nhắc nợ cước, dẫn dụ thuê bao bấm tiếp các phím số 0, 9, 113... và đe dọa nếu không nộp ngay (trong vòng 2 giờ) sẽ chuyển sang bên an ninh để điều tra, xử lý, các đối tượng này cũng giả mạo ngân hàng nhắc nợ vay lên tới hàng chục triệu đồng, giả mạo công an khuyến cáo người có tiền gửi ngân hàng gửi sang tài khoản của chúng để được bảo vệ.
Chiều 15/6, sau khi gửi thông tin về các vụ lừa đảo mà Lao Động nhận được, đại diện VNPT khuyến cáo khách hàng cần cảnh giác để không bị lừa gạt. “Hiện nay vẫn xuất hiện hiện tượng có một số đối tượng đã và đang mạo danh nhân viên VNPT hoặc Tổng đài VNPT để nhắc nợ cước điện thoại để lừa đảo và chiếm đoạt tiền của nhiều khách hàng. Mục tiêu của chúng cũng không đơn thuần chỉ câu thời gian đàm thoại giữa thuê bao tới các tổng đài lạ do chúng dẫn dụ người nghe bấm số chọn đến, mà còn có tính uy hiếp, lừa đảo, chiếm đoạt thông tin cá nhân, tống tiền người dân”, đại diện VNPT cho biết.
Theo Nhóm PV/Lao Động

>> xem thêm

Bình luận(0)