4 thương gia giàu “nứt vách” tại Việt Nam đầu thế kỷ 20

Google News

"Vua tàu thủy" Bạch Thái Bưởi, ông tổ nghề sơn Nguyễn Sơn Hà, ông chủ thương hiệu xà bông Cô Ba… là những doanh nhân giàu có tiêu biểu tại Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ 20.

Từ đầu thế kỷ 20, Việt Nam đã có những doanh nhân giàu có mua lại hãng đóng tàu của Pháp, lập xưởng in, chế tạo sơn nổi tiếng xuất ra nước ngoài.
“Ông vua tàu thủy” Bạch Thái Bưởi
Nhắc đến những người giàu có nhất Việt Nam vào đầu thế kỷ 20, không thể bỏ qua Bạch Thái Bưởi (1874-1932). Ông được liệt vào hàng “tứ đại gia” không chỉ của Việt Nam mà cả xứ Đông Dương.
Sinh ra trong một gia đình nông dân ở làng Yên Phú, Thanh Trì, Hà Đông (nay là một quận thuộc Hà Nội) nhưng ông vẫn được cha mẹ cố gắng cho học chữ quốc ngữ, chữ Pháp
Thạo tiếng Pháp, giỏi tính toán, ông được làm thư ký cho Công sứ Bonnet - người Pháp ở phố Tràng Tiền (Hà Nội). Để có cơ hội tiếp xúc với máy móc cơ giới và thu nhận những hiểu biết về cách tổ chức và quản lý sản xuất, năm 1894, ông chuyển sang làm việc cho một xưởng thuộc hãng thầu khoán.
4 thuong gia giau “nut vach” tai Viet Nam dau the ky 20
 Doanh nhân Bạch Thái Bưởi. Ảnh: Dân Việt
Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, người Pháp bắt đầu công cuộc khai thác thuộc địa, mở mang đường sá, xây dựng cầu cống, Bạch Thái Bưởi tìm được cơ hội trở thành đối tác cung cấp nguyên liệu cho dự án xây dựng tuyến đường sắt lớn nhất Đông Dương thời bấy giờ. Sau đó, ông bỏ vốn mua lại một hãng cầm đồ ở Nam Định, rồi mở hiệu cơm Tây ở Thanh Hóa, đại ký rượu ở Thái Bình và có một thời gian làm cai thầu thuế chợ từ miền Bắc đến miền Trung.
Sự nghiệp kinh doanh mang đến danh tiếng lẫy lừng cho doanh nhân Bạch Thái Bưởi bắt đầu từ năm 1909, khi ông thuê lại ba chiếc tàu của một doanh nghiệp Pháp và mở tuyến giao thông đường biển Nam Định - Hà Nội - Bên Thủy. Tháng 4/1916, Bạch Thái Bưởi chính thức lập nghiệp ở Hải Phòng với cơ ngơi đồ sộ nằm trên bờ sông Tam Bạc. Ông chính thức tuyên bố thành lập Giang hải luân thuyền Bạch Thái công ty, điều hành 17 tuyến đường thủy từ Hà Nội đến Tuyên Quang, vươn ra đến tận các nước như Hong Kong, Nhật Bản, Philippines, Trung Quốc, Singapore...
Trước khi qua đời bất ngờ vì đau tim ở tuổi 58, ông được xưng tụng là "vua tàu thủy Việt Nam" khi tự thiết kế và thực hiện chiếc tàu lớn đầu tiên của Việt Nam - tàu Bình Chuẩn. Tàu dài đến 42m, trọng tải 600 tấn, động cơ 400 mã lực, được hạ thủy ngày 7/9/1919 tại Hải Phòng và cập cảng Sài Gòn ngày 17/9/1920.
Sau này doanh nhân Bạch Thái Bưởi được người đời sau đánh giá là một nhà tư sản dân tộc, một doanh nhân giàu ý chí tự cường, một thương gia lớn.
Doanh nhân Trương Văn Bền
Doanh nhân Trương Văn Bền - chủ sở hữu thương hiệu xà bông Cô Ba nổi danh nhất thương trường Việt Nam vào những năm 1930. Thời điểm đó, hình ảnh bánh xà bông in hình người phụ nữ Việt đẹp phúc hậu trở thành thương hiệu đình đám khắp cả nước, đánh bật hàng loạt thương hiệu ngoại.
Doanh nhân Trương Văn Bền (1883 - 1956) sinh tại Chợ Lớn (Sài Gòn) trong một gia đình có truyền thống làm nghề thủ công. Năm 25 tuổi, ông lập nhà máy ép dầu dừa, rồi nhà máy xay lúa, đồn điền cao su cỡ nhỏ và công ty khai khẩn ruộng ở Đồng Tháp Mười.
4 thuong gia giau “nut vach” tai Viet Nam dau the ky 20-Hinh-2
Doanh nhân Trương Văn Bền. Ảnh: Wiki 
Vào những năm 1940, ông chuyển sang làm ngành xà bông, lập công ty đường Rue de Cambodge (nay là Chợ Kim Biên, quận 5), lấy tên là Trương Văn Bền và các con – Dầu và Xà bông Việt Nam (Truong Van Ben & fils – Huilerie et Savonnerie Vietnam). Xà bông Cô Ba làm từ dầu dừa, xưởng của ông ở Chợ Lớn, mỗi tháng sản xuất khoảng 1.500 tấn dầu dừa và khoảng 600 tấn xà bông.
Trước ngày giải phóng, xà bông Cô Ba của doanh nhân Trương Văn Bền không có đối thủ trên thị trường nội địa. Không chỉ ở Việt Nam, xà bông Cô Ba còn được có mặt tại Lào và Campuchia, xuất khẩu qua Hong Kong, Tân Đảo (Nouvelle Caledonie) và một số các nước châu Phi.
Đến những năm 1990, xà bông Cô Ba vẫn tạo lập được thị phần rộng lớn trên toàn quốc, và chỉ lui về sau khi hàng loạt sản phẩm của các hãng nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam trong khoảng 2 thập kỷ vừa qua.
“Ông tổ ngành sơn Việt” Nguyễn Sơn Hà
Doanh nhân Nguyễn Sơn Hà sinh năm 1894 tại huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây, nay thuộc Hà Nội, trong một gia đình có 7 anh em. Từ nhỏ, ông đã học chữ Nho và chữ Quốc ngữ. Tuy nhiên, đến năm 14 tuổi, sau khi cha qua đời, hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông đã phải bỏ học để đi làm cho một hãng buôn của Pháp. Sau đó, do lương thấp ông đã bỏ sang làm cho hãng sơn dầu Sauvage Cottu ở Hải Phòng.
Trong thời gian làm việc tại hãng sơn dầu Sauvage Cottu, Nguyễn Sơn Hà đã học được cách sản xuất sơn, bắt đầu từ phương pháp thủ công, sau đó dần tiếp cận với kỹ thuật hiện đại. Từ đó, ông không ngừng nung nấu ý chí tạo dựng một hãng sơn dầu của người Việt Nam.
4 thuong gia giau “nut vach” tai Viet Nam dau the ky 20-Hinh-3
Doanh nhân Nguyễn Sơn Hà. Ảnh tư liệu
Khi có thời gian rảnh rỗi, ông tìm đọc sách về nghề sơn từ tủ sách của nhà chủ. Do sách viết bằng tiếng Pháp, ông phải học thêm tiếng Pháp vào buổi tối. Khi đã nắm vững bí quyết nghề làm sơn và kinh doanh sơn dầu, ông quyết định kinh doanh riêng ở tuổi 22, năm 1917. Để có vốn làm ăn, Nguyễn Sơn Hà bán chiếc xe đạp rồi mở một cửa hàng nhỏ chuyên nhận quét vôi, kẻ biển, sơn nhà cửa, đồng thời chế tạo thử sơn dầu ở Hải Phòng. Cùng với mấy anh em trong nhà, Nguyễn Sơn Hà vừa làm chủ, vừa làm thợ.
Sản phẩm đầu tiên mà gia đình doanh nhân Nguyễn Sơn Hà tung ra thị trường là thương hiệu “Resistanco”, tiếng Pháp có nghĩa là “bền chặt”, nhưng không được người Pháp đánh giá cao. Không nản chí, ông cải tiến mẫu sơn. Cuối cùng, nhiều mẫu sơn hoàn hảo ra đời với cái tên Résistanco A, Résistanco B dùng cho sơn xe đạp, Durolac để sơn ô tô, Ideal để sơn tường... Đến năm 1920, ông mở được xưởng sơn tại Hải Phòng, rộng 7.000 m2, lấy tên là Gecko, khi mới tròn 26 tuổi.
Từ Hà Nội, Huế, Hội An, Sài Gòn, sơn Resistanco vượt biên giới sang Campuchia, Thái Lan, Lào... và được tiêu thụ nhanh đến mức làm không đủ bán. Người Pháp tìm đủ mọi cách chèn ép việc kinh doanh của gia đình, nhưng ông quyết giữ sự hưng thịnh của nền công nghiệp bản địa, khiến nhà cầm quyền phương Tây phải kinh sợ.
Doanh nhân Trịnh Văn Bô
Doanh nhân Trịnh Văn Bô (1914 - 1988) cùng vợ là chủ nhân của cửa hiệu buôn vải sợi Phúc Lợi đặt tại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang (Hà Nội). Giữa năm 1940, ông được xem là một trong những người giàu có bậc nhất đất Hà Thành, có bạn hàng tại các nước Đông Dương, sở hữu một nhà máy dệt và có kinh doanh cả ngành bất động sản.
4 thuong gia giau “nut vach” tai Viet Nam dau the ky 20-Hinh-4
 Vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô. Ảnh: Vietnamnet
Là thương nhân giàu có, nhưng gia đình ông Trịnh Văn Bô lại kinh doanh trên triết lý "Buôn bán 10 đồng thì giữ lại 7, còn lại giúp đỡ người nghèo và làm việc phúc đức". Tầng hai của hiệu buôn sầm uất Phúc Lợi từng là nơi ở của nhiều cán bộ lãnh đạo cách mạng cấp cao của Việt Nam khi chuyển hoạt động từ chiến khu về Hà Nội, trong đó có cả Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính nơi đây, Bác Hồ đã khởi thảo và hoàn thành bản Tuyên ngôn độc lập.
Sau khi Chính phủ lâm thời được thành lập, ngân khố quốc gia khi đó chỉ còn 1,2 triệu đồng tiền Đông Dương, trong đó đa phần đã rách nát, không thể tiêu dùng được. Khi "Tuần lễ vàng" được phát động, gia đình ông đã ủng hộ tới 5.147 lượng vàng, tương đương 2 triệu đồng Đông Dương cho Chính phủ.
Bên cạnh đó, vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô còn là thành viên cốt cán trong Ban vận động "Tuần lễ vàng", khích lệ giới công thương và các tầng lớp nhân dân quyên góp được 20 triệu đồng Đông Dương và 370 kg vàng.

Tỷ phú nông dân từ những quả trứng gà. Nguồn: VTV24


Hoàng Minh (tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)