Gánh nặng "nợ"
Mới đây, thông tin với báo giới đại diện Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết dự kiến, cuối tháng 6 đầu tháng 7 này, những đồng vốn "giải cứu" đầu tiên trong gói hỗ trợ vay vốn của Vietnam Airlines trị giá 12.000 tỷ đồng từ Chính phủ sẽ được giải ngân.
Gói “giải cứu” trị giá 12.000 tỷ đồng, trong đó có 4.000 tỷ đồng tái cấp vốn để các tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay với lãi suất ưu đãi và 8.000 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ.
Trong khi chờ được giải ngân gói hỗ trợ khẩn cấp trên, Vietnam Airlines đã phải tự tìm giải pháp để duy trì hoạt động như: Điều chỉnh lịch bay và lao động theo diễn biến dịch bệnh để giảm chi phí nhân công; tái cơ cấu tài sản, tăng cho thuê máy bay, thanh lý máy bay cũ; khuyến mại để hút khách, kích cầu; chuyển đổi máy bay chở khách sang chở hàng; đàm phán để giãn, hoãn các khoản thanh toán, gia hạn vay...
|
Vietnam Airlines đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản. (Ảnh minh họa). |
Đại diện Vietnam Airlines cho biết, năm 2021 dịch bệnh phức tạp và kéo dài đã ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng và trầm trọng thêm tình hình tài chính của hãng.
Trong 3 tháng đầu năm nay, Vietnam Airlines đã lỗ 4.800 tỷ đồng và dự kiến hết tháng 6 bị lỗ trên 10.000 tỷ đồng. Vietnam Airlines đang nợ quá hạn 6.240 tỷ đồng.
Năm 2020, hãng đã phải cắt giảm chi phí hơn 8.600 tỷ đồng, năm nay dự kiến cắt giảm hơn 9.400 tỷ đồng.
Mặc dù, có quy mô vận chuyển trong và ngoài nước chiếm đến 50% thị trường hàng không quốc gia, nhưng với tình hình hiện nay, Vietnam Airlines đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản.
12.000 tỷ được Vietnam Airlines sử dụng như nào?
Báo cáo gần đây của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho thấy, số lỗ ròng sau thuế của ngành hàng không trong năm 2021 dự kiến lên đến gần 48 tỷ USD, cao hơn mức 38 tỷ USD đưa ra hồi tháng 12/2020.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc cung cấp nguồn vốn ưu đãi cho hãng hàng không Vietnam Airlines là nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng do COVID-19.
Chia sẻ với báo chí, đại diện Vietnam Airlines cho biết, sự trợ lực bằng các biện pháp hỗ trợ tài chính quy mô lớn từ Chính phủ sẽ giúp hãng tránh được nguy cơ phá sản do mất thanh khoản dòng tiền trong ngắn hạn.
Theo đó, hãng bay đã xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn tiền này để bổ sung vốn phục vụ trực tiếp cho sản xuất kinh doanh và bù đắp thiếu hụt thanh khoản do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 thông qua thanh toán các khoản phải trả quá hạn, các khoản vay ngắn hạn và trả các khoản vay ngắn hạn, dài hạn tại các ngân hàng.
Về khoản vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng cho vay với lãi suất 0%/năm, Vietnam Airlines cam kết bảo đảm quyền lợi của cổ đông Nhà nước.
Cụ thể, hãng sẽ tính giá trị phần hỗ trợ của Nhà nước trên cơ sở chênh lệch giữa lãi suất của khoản vay tái cấp vốn và lãi suất thị trường để đề xuất phương án bảo đảm quyền lợi của cổ đông Nhà nước. Trong đó, bao gồm phương án tăng tương ứng giá trị phần vốn Nhà nước tại Vietnam Airlines.
Được biết, đầu tháng 6 vừa qua, Vietnam Airlines đã mời đấu giá 11 chiếc máy bay thân hẹp A321CEO, một phần trong kế hoạch làm mới đội bay cũng như cải thiện dòng tiền của hãng.