12 dự án yếu kém ngành Công Thương đã xử lý thế nào?

Google News

(Kiến Thức) - Sau 9 tháng triển khai xử lý 12 dự án yếu kém ngành công thương có tiến triển với kết quả rõ ràng, một số có phương án tháo gỡ khó khăn.

Chiều 6/9, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo của Chính phủ về xử lý tồn, tại vướng mắc 12 dự án ngành Công Thương đã chủ trì phiên họp lần thứ 4 của Ban chỉ đạo.
Tại phiên họp, nhiều thông tin xoay quanh việc xử lý những tồn tại của 12 dự án yếu kém ngành Công Thương đã được báo cáo rõ.
Sau 9 tháng triển khai xử lý, một số dự án đã có lãi (Nhà máy Thép Việt Trung và DAP số 1 Hải Phòng), một số dự án Ethanol ở Dung Quất, Phú Thọ đã có nhà đầu tư đặt vấn đề hợp tác kinh doanh hoặc mua lại.
12 du an yeu kem nganh Cong Thuong da xu ly the nao?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP/Thành Chung 
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, 4 nhà máy sản xuất phân bón thuộc Tập đoàn Hoá chất hoạt động ổn định, thời gian chạy máy đạt từ 19 - 24 ngày, phụ tải trung bình đạt khoảng từ 75 - 90% (trừ DAP số 2 Lào Cai chỉ chạy 10 ngày do dừng máy để bảo dưỡng, sửa chữa theo kế hoạch từ 12/8/2017, tới nay chưa khởi động lại).
Phương án sản xuất kinh doanh của các nhà máy đạm được xây dựng theo hướng tăng cường quản trị, tiết giảm chi phí để giảm lỗ, mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng chất lượng và đa dạng chủng loại sản phẩm nên kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục được cải thiện, chi phí biển đổi thấp hơn giá bán.
Trong tháng 8/2017, chênh lệch này dao động từ 52.000đồng - 892.000 đồng/tấn, riêng DAP 2 chênh lệch âm 846.000 đồng do ngừng sản xuất.
5 dự án ngàn tỷ đắp chiếu, kém hiệu quả của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gồm: Nhà máy xơ sợi Polyester Đình Vũ (PVTEX); Nhiên liệu sinh học Dung Quất; Nhiên liệu sinh học Bình Phước; Nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Nhà máy đóng tàu Dung Quất hiện đã phương án xử lý, nhưng sẽ cần nhiều thời gian mới có kết quả.
Mời độc giả xem video "Kiên quyết xử lý theo cơ chế thị trường 12 dự án yếu kém của ngành Công thương" (nguồn: Truyền hình Nhân dân):
Đối với 2 dự án nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Bình Phước, PVN đã chỉ đạo Tổng công ty Dầu PVOil tổ chức lựa chọn và thuê tổ chức tư vấn và xây dựng phương án thoái vốn tại 2 dự án này theo quy định hiện hành về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Hiện đã có nhà đầu tư “đánh tiếng” mua lại dự án nhà máy Ethanol Phú Thọ.
Về Dự án Nhà máy sản xuất sơ xợi polyester Đình Vũ (PVTex), Bộ Công Thương cho biết tình trạng của dự án vẫn khó khăn và chưa khởi động lại. Các phương án xử lý dự án này khó áp dụng khi mà PVTex không thực hiện phán quyết của Toà án quận Hải An (Hải Phòng) về chi trả tiền điện, nước hạ tầng cơ sở cho Khu công nghiệp Đình Vũ (hơn 73 tỷ đồng).
Hiện nay PVN đã chỉ đạo các đơn vị thành viên cử nhân sự hỗ trợ PVTex rà soát, đánh giá thực trạng nhà máy và lập Tổ hỗ trợ kỹ thuật, tài chính, thương mại, pháp lý... để PVTex chuẩn bị khởi động lại Nhà máy.
Đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), PVN đã gửi công văn cho các đơn vị trong ngành tiếp tục hỗ trợ, ủng hộ sử dụng dịch vụ của Công ty nhằm giải quyết khó khăn trước mắt, tạo công ăn việc làm, ổn định tâm lý cho cán bộ, công nhân viên của Công ty.
Đối với 2 dự án đầu tư sản xuất thép của Tổng công ty Thép Việt Nam, Bộ Công Thương cho biết sau khi Chính phủ chỉ đạo rút 1.000 tỷ đồng vốn góp vào Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, nhà thầu MCC đã trở lại đàm phán, giải quyết một số vướng mắc với chủ đầu tư. Còn Dự án Nhà máy Gang thép Việt-Trung đã có lãi từ tháng 3, ước tính lợi nhuận 6 tháng đầu năm là 67 tỷ đồng, và tới cuối năm sẽ nộp hơn 290 tỷ đồng tiền thuế các loại vào Ngân sách Nhà nước.
Với Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về tổ chức bán đấu giá Dự án.

Linh Hoàng (Tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)