Bi hài: Nixon “thua đau” trước Kennedy vì lười cạo râu?

Google News

Xuất hiện trên truyền hình với gương mặt toát nhiều mồ hôi và không cạo râu...phải chăng, chính diện mạo kém chỉn chu đã khiến Nixon bại trận trước Kennedy?

- Nixon thất bại đầy tiếc nuối trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế TT Mỹ năm 1960 trước đối thủ ngang sức Kennedy, một phần bởi gương mặt chưa cạo râu của ông khi xuất hiện trên sóng truyền hình.

Năm 1960, cuộc tranh luận đầu tiên trên truyền hình giữa hai ứng cử viên Richard Nixon và John Kennedy đã diễn ra. Cuộc tranh luận này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nó không những ảnh hưởng tới kết quả bầu cử Tổng thống mà còn mở ra một thời đại mới trong nền chính trị nước Mỹ. Điều ấy đồng nghĩa, việc sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng để nhào nặn, gây dựng hình tượng đối với công chúng đã dần trở thành một phần quan trọng trong vận động chính trị ở Mỹ.

Vào thời điểm đó, quan hệ Xô-Mỹ đang chìm sâu trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Nhờ phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên trong lịch sử loài người, Liên Xô đã giành  vị trí dẫn đầu trong cuộc chạy đua vào vũ trụ. Còn với Mỹ, những vấn đề như quyền công dân và đấu tranh chống phân biệt chủng tộc khiến quốc gia này phải đối mặt với những nguy cơ về dân chủ.

Đúng vào thời điểm đó, hai ứng cử viên với chính kiến hoàn toàn khác nhau đã bắt đầu cuộc chạy đua giành chiếc ghế Tổng thống. Đó là Kennedy - một nghị sĩ trẻ tuổi, đầy sức sống của bang Massachusetts và Nixon - nghị sỹ giàu kinh nghiệm tại Quốc Hội Mỹ và là Phó Tổng thống đương nhiệm. Kennedy mới chỉ tham gia thượng viện Mỹ một nhiệm kỳ. So với Nixon, ứng cử viên 43 tuổi này không những thiếu kinh nghiệm ngoại giao phong phú mà còn ở vào thế tương đối bất lợi với thân phận là người theo Công giáo La Mã. Ngược lại, Nixon khi mới 39 tuổi đã giữ chức Phó Tổng thống và tham gia điều hành chính quyền trong suốt 8 năm liên tiếp, từ năm 1953 đến 1961.
 
Các hoạt động tranh cử kéo dài suốt mùa hè năm 1960. Kết quả trưng cầu dân ý cho thấy, ưu thế có phần nghiêng về Nixon. Nhưng vào tháng 8, ứng viên này vấp phải một thử thách lớn. Khi các phóng viên yêu cầu Tổng thống đương nhiệm lúc bấy giờ là Dwight D.Eisenhower liệt kê những cống hiến của Phó Tổng thống, ông ta (lúc này  vừa ra khỏi một cuộc họp báo dài lê thê) đã trả lời rằng: “Nếu anh cho tôi một tuần, có thể tôi sẽ nghĩ ra một cống hiến nào đó. Nhưng lúc này, tôi không nhớ nổi.” (Tuy đây chỉ là lời tự trào của Eisenhower nhưng các đảng viên Đảng Dân chủ đã chớp thời cơ, lấy câu này làm lời kết cho một tiết mục quảng cáo trên truyền hình: “Ngài Tổng thống Eisenhower không nhớ, nhưng cử tri sẽ nhớ”). Cũng trong tháng ấy, khi vận động tranh cử tại bang Bắc Carolina, Nixon không may bị chấn thương đầu gối và phải nhập viện. Hai tuần sau, khi xuất hiện trở lại, cơ thể ông suy nhược trông thấy, sắc mặt vàng vọt và  “ngót” hẳn 20 pounds (khoảng 9kg) so với trước.
Richard Nixon.
Richard Nixon.
Tối 26/9, khi hai ứng viên Tổng thống tới Đài phát thanh CBS (Columbia Broadcasting System) đặt tại trung tâm thành phố Chicago, vận rủi vẫn không chịu buông tha Nixon. Lúc ra khỏi xe hơi, ông ta lại gặp chấn thương ở đầu gối, rồi thêm cảm cúm khiến Nixon sốt nhẹ. Một ngày vận động tranh cử bình thường như vậy, nhưng đối với ông ta thì khó khăn như phải trải qua cả năm dài đằng đẵng. Trong khi ấy, đối thủ Kennedy lại được nghỉ ngơi trọn vẹn cuối tuần tại khách sạn với các trợ thủ của mình, tha hồ dưỡng sức, mài sắc nhuệ khí, chuẩn bị sẵn sàng cho bốn cuộc tranh luận lớn sắp diễn ra.

Tuy hai ứng cử viên đang có trạng thái khác biệt, nhưng xét về thực lực tổng thể, hai đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn ngang tài ngang sức. Cả hai đảng đều nhấn mạnh tầm quan trọng của các vấn đề như an ninh quốc gia, sức mạnh quân sự và xây dựng một tương lai tốt đẹp cho nước Mỹ. Với cuộc tranh luận trên sóng truyền hình của Kennedy và Nixon, phần lớn thính giả theo dõi qua sóng phát thanh đều cho rằng, khả năng giành chiến thắng của Nixon là nhỉnh hơn. Nhưng ngược lại, những khán giả truyền hình lại đưa ra một đáp án hoàn toàn khác biệt: Kennedy đã chiếm trọn trái tim của hơn 70 triệu người xem.

Giới chính khách Mỹ thời bấy giờ cố gắng tìm tòi một phương thức mới để trở nên gần gũi hơn với cử tri và công chúng thông qua tivi – thứ còn rất mới mẻ trong phòng khách của các gia đình. Rõ ràng Kennedy đã sớm tìm ra bí quyết nhờ vào phương tiện ấy. Trong cuộc tranh luận lần đầu tiên trên truyền hình, ông ta nhìn thẳng vào ống kính máy quay để trả lời rành rọt từng câu hỏi, còn Nixon lại hướng ánh mắt về phía phóng viên. Biểu hiện ấy cho thấy, dường như ngài Phó Tổng thống đang trốn tránh ánh nhìn của công chúng.

Ngoài sức hấp dẫn của bản thân ứng viên, hiệu quả hóa trang cũng quyết định phần nhiều tới sự xuất hiện của chính khách trên sóng truyền hình. Trước khi cuộc tranh luận đầu tiên diễn ra, cả Nixon và Kennedy đều từ chối công đoạn trang điểm do chuyên gia trang điểm hàng đầu của CBS đảm nhiệm. Trải qua nhiều cuộc vận động tranh cử ngoài trời trên khắp nước Mỹ, Kennedy, ứng cử viên có nước da màu đồng đã sớm chuẩn bị tốt cho cuộc đua nước rút. Về sau lại có thông tin rằng, vị ứng cử viên vốn vẫn tuyên bố mình rất ăn hình này thực ra đã được những trợ thủ “chăm chút” dung mạo khá cẩn thận.

Trái lại, Nixon lên hình với gương mặt nhợt nhạt và không cạo râu. Khi các trợ lý giục giã, vị Phó Tổng thống đã sử dụng loại sản phẩm có tên gọi “Lazy Shave” bày bán tại các hiệu thuốc, nhằm che lấp phần râu trên mặt. Nhưng chính ánh đèn trong phòng ghi hình đã rọi vào mặt khiến ông ta toát nhiều mồ hôi, và lớp phấn trang điểm bắt đầu tan ra. Xét về trang phục, bộ vest màu xám nhạt mà Nixon lựa chọn để lên hình cũng vô tác dụng trong việc tranh cử. Màu sắc ấy gần như hòa làm một với màu phông nền trong phòng ghi hình, và càng làm bật lên nước da nhợt nhạt của ông. Ngày hôm sau, Chicago Daily News đã giật cái tít khá sắc về sự kiện này: “Chuyên gia trang điểm nhà đài đã hủy hoại Nixon?”. Cho dù trong ba cuộc tranh luận về sau, ông ta cố sức khắc phục “thảm cảnh” của lần đầu tiên, nhưng mọi thứ dường như đã quá muộn.

Vào ngày bầu cử, tức  8/11/1960, Kennedy đã giành chiến thắng với cách biệt sít sao trước Nixon, 49,7% so với 49,5%. Theo kết quả trưng cầu dân ý, có tới hơn 50% số cử tri đã chịu ảnh hưởng từ các cuộc tranh luận trên truyền hình và 6% số cử tri được hỏi cho biết chính các cuộc tranh luận ấy đã giúp họ đưa ra quyết định cuối cùng. Hai năm sau, trong cuốn “Six Crises”, “kẻ bại trận” Nixon đã phải thừa nhận tầm quan trọng của tranh luận lẫn sai lầm chí mạng của mình trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 1960: “Tôi cần phải nhớ kỹ rằng, một bức hình còn mạnh hơn ngàn vạn lời nói.”

Riêng màu da ánh đồng của Kennedy cũng ẩn chứa một sự thực khá thú vị. Sắc da ấy khiến ông ta trông có vẻ khỏe khoắn và ăn hình hơn Nixon, nhưng rất nhiều sử gia lại suy đoán, nước da nâu đặc trưng này trên thực tế là biểu hiện của chứng Addison (bệnh suy tuyến thượng thận tiên phát và có hiện tượng tăng sắc tố da) - căn bệnh đã hành hạ vị Tổng thống này suốt nhiều năm trong đời.

Hải Dịu (theo Huanqiu)
[links()]

Bình luận(0)