Những lưu ý "quan trọng" về bệnh hen suyễn nặng ở trẻ em

Google News

Chứng hen suyễn nặng ở trẻ em thường khó chẩn đoán. Việc điều trị cũng không đơn giản.

Nhung luu y
Một số trẻ bị hen suyễn nặng nhưng chỉ xảy ra theo đợt kịch phát. Ảnh: Health. 
Theo Hiệp hội Lồng ngực Mỹ và Hiệp hội Hô hấp châu Âu, trẻ thường chỉ được chẩn đoán mắc bệnh hen suyễn nặng khi có các triệu chứng yêu cầu điều trị bằng corticosteroid dạng hít liều cao cộng với việc sử dụng thuốc kiểm soát trong cả năm và/hoặc dùng corticosteroid toàn thân từ nửa năm trở lên. Nói cách khác, bác sĩ chỉ có thể chẩn đoán bệnh dựa trên các triệu chứng khó chữa.
“Xác định tình trạng bệnh dựa trên lượng thuốc cần thiết để kiểm soát nó chắc chắn là một hạn chế. Nhưng một phần nguyên nhân nằm ở việc hen suyễn là bệnh không đồng nhất”, tiến sĩ Jonathan Gaffin, đồng Giám đốc Chương trình Bệnh Hen suyễn nặng tại Bệnh viện Nhi đồng Boston, trợ lý giáo sư Nhi khoa trường Y Harvard, nói.
Theo Time, ở một số trẻ, hen suyễn nặng gây ra các vấn đề về hô hấp hàng ngày nhưng một số ít lại chỉ xảy ra theo đợt kịch phát. Trên thực tế, giữa các đợt phát bệnh, trẻ vẫn có thể có chức năng phổi bình thường. Đây có thể là điểm khác biệt giữa người lớn và trẻ em khi mắc hen suyễn nặng.
Bệnh hen suyễn nặng có một đặc điểm xác định khác: Nó thường biểu hiện rất sớm trong cuộc đời. Tiến sĩ Andrew Bush, chuyên gia về bệnh hen suyễn và là Giám đốc Trung tâm Nhi khoa và Chăm sóc Trẻ em, Đại học Hoàng gia London, cho biết: “Đến thời điểm lần đầu tới trường, trẻ đã bị suy giảm chức năng phổi vĩnh viễn và có hầu hết triệu chứng”.
Ông nói rằng trong một số trường hợp, bệnh hen suyễn có thể chỉ trở nên trầm trọng và không thể kiểm soát vào cuối thời thơ ấu. Tuy nhiên, hiếm khi một đứa trẻ bị hen suyễn nặng lại không có dấu hiệu nào ở năm đầu đời.
Các chuyên gia cho biết một số loại thuốc mới có thể giúp kiểm soát tình trạng bệnh, hạn chế sử dụng corticosteroid toàn thân. Tuy nhiên, họ đánh giá còn phải chờ thêm một thời gian dài nữa, các loại thuốc đó mới được đưa vào sử dụng thực tế. Do đó, việc chẩn đoán trẻ mắc hen suyễn nặng hay không vẫn rất quan trọng.
Nhung luu y
 Hen suyễn nặng là bệnh chiếm chi phí điều trị lớn. Ảnh: Raisingchildren.
Sự phổ biến không chắc chắn
Hen suyễn là một trong những bệnh lý phổ biến nhất ở những người trẻ tuổi. Ước tính, gần 1/10 trẻ em Mỹ dưới 15 tuổi - tương đương gần 6 triệu người - mắc bệnh. Theo các chuyên gia, tỷ lệ hen suyễn ở trẻ em tăng đáng kể trong 40 năm qua.
Tuy nhiên, số liệu về bệnh hen suyễn nặng ở trẻ em có nhiều chỗ bất đồng. Một số tài liệu cho rằng nó chiếm khoảng 2-5% số ca mắc hen suyễn ở trẻ trong khi nhiều chuyên gia cho rằng rất khó để biết chắc chắn. Nguyên nhân là nhiều trẻ với triệu chứng khó kiểm soát có thể gặp khó khăn do không tuân thủ việc dùng thuốc, tiếp xúc thường xuyên với chất gây dị ứng hoặc yếu tố khác.
Ngoài ra, trẻ có thể gặp vấn đề về hô hấp nhưng không phải do hen suyễn như tắc nghẽn thanh quản thường bị nhầm với hen suyễn do triệu chứng tương tự. Nhiễm trùng mạn tính cũng có thể gây ra các triệu chứng giống hen suyễn. Để chẩn đoán hen suyễn nặng, bác sĩ phải loại trừ những bệnh đó.
Mặc dù khó xác định tỷ lệ trẻ em mắc bệnh hen suyễn nặng, các chuyên gia đồng ý rằng tình trạng này chiếm tỷ lệ lớn về chi phí điều trị. Theo một nghiên cứu năm 2017 trên Journal of Allergy and Clinical Immunology, trong số 10 tỷ USD chi hàng năm để điều trị hen suyễn cho trẻ em ở Mỹ, một nửa dành cho trẻ bị hen suyễn nặng.
Nguyên nhân và chẩn đoán
Việc làm rõ nguyên nhân gây bệnh hen suyễn là một thách thức. Tiến sĩ Marielle Pijnenburg, Trưởng khoa Hô hấp nhi khoa và Dị ứng học tại Trung tâm Y tế Đại học Erasmus, Hà Lan, cho biết: “Cơ chế bệnh sinh của bệnh hen suyễn ở trẻ em thực sự phức tạp và đa dạng”.
Tiến sĩ Pijnenburg nói rằng các yếu tố gây dị ứng, nhiễm virus, chế độ ăn uống, ô nhiễm không khí, khói thuốc lá, rối loạn hệ vi sinh vật có thể coi là nguyên nhân. Tuy nhiên, việc xác định chính xác nguyên nhân khó thực hiện do nó đòi hỏi xét nghiệm xâm lấn - điều không khả thi ở trẻ - để biết tình trạng phổi.
Các triệu chứng đầu tiên thường xuất hiện khá sớm - trước một hoặc 2 tuổi - với các cơn thở khò khè. Tiến sĩ Bush cho hay một số yếu tố dự báo việc trẻ bị hen suyễn nặng là tiếp xúc với khói thuốc trong nhà trước 3 tuổi, nhạy cảm với nhiều chất gây dị ứng và các cơn thở khò khè nghiêm trọng phải nhập viện.
Các triệu chứng đầu tiên thường bắt đầu khi còn rất nhỏ nhưng bác sĩ rất khó đánh giá chức năng phổi hoặc các chẩn đoán khác liên quan đến hen suyễn ở trẻ nhỏ. Vì vậy, trong hầu hết trường hợp, họ khá xác định liệu trẻ có mắc bệnh hen suyễn nặng hay không cho đến khi trẻ đến tuổi đi học - ít nhất 5 hoặc 6 tuổi.
Việc chẩn đoán đòi hỏi phương pháp loại trừ. Thông thường, nhân viên y tế sẽ đánh giá các yếu tố ở nhà bệnh nhi như môi trường sống có nấm mốc, vật nuôi, bố mẹ hút thuốc không. Tiến sĩ Pijnenburg nhấn mạnh một trong những điều phân biệt bệnh hen suyễn nặng ở trẻ em với người lớn là sự phổ biến của các tác nhân gây dị ứng.
Khoảng 50% bệnh nhân trưởng thành bị hen suyễn nặng hơn do dị ứng trong khi tỷ lệ này ở trẻ em lên đến 80-85%. Xác định và cố gắng loại bỏ các tác nhân gây dị ứng là một bước quan trọng.
Ngày nay, việc chẩn đoán hen suyễn nặng ở trẻ nhỏ có thể được thực hiện từ nhóm chăm sóc đa ngành gồm bác sĩ chuyên khoa phổi, bác sĩ dị ứng, thậm chí là chuyên gia hoặc cố vấn sức khỏe tâm thần.
“Trẻ em mắc bệnh hen suyễn có thể trải qua khoảnh khắc đáng sợ khi khó thở. Khi được đưa vào viện, trẻ tiếp tục sợ hãi khi bác sĩ sơ cứu bằng cách ấn vào người trẻ”, tiến sĩ Gaffin giải thích và nói thêm cảm giác đó khiến các triệu chứng hen suyễn trở nên tồi tệ, khó kiểm soát hơn.
Việc xác định, giải quyết các yếu tố tác động thêm vào tình trạng bệnh và quá trình thăm khám tiếp theo sẽ giúp đánh giá trẻ có các triệu chứng hen suyễn nghiêm trọng hay nguy cơ tái phát hay không.
Nhung luu y
 Việc đảm bảo trẻ dùng thuốc đúng cách phần nào giải quyết được nguy cơ từ bệnh hen suyễn nặng. Ảnh: Healthline.
Điều trị bệnh hen suyễn nặng ở trẻ
Theo các chuyên gia, trong điều trị hen suyễn, điều quan trọng là cần đảm bảo trẻ dùng thuốc đúng cách. Tiến sĩ Gaffin đánh giá đây là vấn đề lớn nhất. Giữa các đợt phát bệnh, trẻ thường cảm thấy khỏe nên bỏ quên ống hít hay các loại thuốc khác.
“Nhưng ngay cả trẻ mắc hen suyễn nặng cũng khó đảm bảo dùng thuốc đúng chỉ định. Các em có nín thở sau khi hít corticosteroid trong 10 giây để đảm bảo thuốc vào sâu trong phổi không?”, ông nói.
Đây là tình trạng thường thấy ở bệnh nhân mắc hen suyễn nặng, cả trẻ em lẫn người lớn. Trong một số trường hợp, khắc phục những vấn đề này có thể giúp kiểm soát bệnh.
Khi đảm bảo dùng thuốc đúng cách, trẻ bị hen suyễn nặng có thể đủ điều kiện để sử dụng loại thuốc sinh học có nguồn gốc từ sinh vật sống. Đối với bệnh hen suyễn nặng, tất cả liệu pháp sinh học đều là kháng thể đơn dòng - các protein chuyên biệt ảnh hưởng đến chức năng hệ thống miễn dịch theo cách giảm thiểu loại viêm gây triệu chứng hen suyễn.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã phê duyệt 3 loại thuốc này để sử dụng cho trẻ em bị hen suyễn nặng, và cả 3 loại đều được tiêm qua da. Thông thường, bác sĩ sẽ quan sát bệnh nhi thêm 2 giờ sau khi tiêm.
“Thuốc thường được dùng mỗi 2, 4 hoặc 8 tuần một lần và cho thấy hiệu quả tốt trong hầu hết trường hợp”, tiến sĩ Gaffin cho hay.
Tuy nhiên, chúng vẫn có tác dụng phụ, bao gồm đau chỗ tiêm, đau đầu, đau họng, mệt mỏi, nguy cơ dị ứng. Giới chuyên gia cũng chưa xác định liệu nó có tác dụng phụ lâu dài không. Theo ông Gaffin, vấn đề này là do số lượng trẻ tham gia thử nghiệm lâm sàng không lớn, rất nhiều dữ liệu được ngoại suy từ người lớn.
Tiến sĩ Bush nói thêm loại thuốc này còn đắt tiền và không ai rõ thời gian điều trị tối ưu.
Khác với hen suyễn thông thường, bệnh hen suyễn nặng thường không đỡ khi trẻ lớn lên. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Bush, căn bệnh có thay đổi và hiện tại, họ khó có bằng chứng để xem có cần duy trì việc dùng thuốc sinh học hay các liệu trình tạm thời có hiệu quả hay không.
Tiến sĩ Pijnenburg có chung mối quan tâm. Song bà đánh giá thuốc sinh học có thể là cách điều trị thay đổi cuộc sống một số bệnh nhi. Bà thừa nhận không biết có cần duy trì dùng thuốc mãi hay không hoặc thời điểm nào có thể dừng thuốc.
“Nhưng chúng tôi thường kiểm soát tốt bệnh bằng thuốc sinh học. Nhờ đó, trẻ bước vào tuổi trưởng thành mà không có quá nhiều triệu chứng”, bà cho biết.
Theo Nguyên Lê/Zingnews.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)