Ngày 8/2, nhà nghiên cứu Phùng Mỹ Trung có bài viết "Phóng sinh cá chim trắng: Hậu quả khôn lường!" trên Báo Pháp Luật TP.HCM điện tử. Trong bài viết tác giả có nêu ý kiến việc thả cá phóng sinh xuống sông Hồng, trong có cá chim trắng Colossoma brachypomum là hết sức nguy hiểm, có nguy cơ gây hại cho môi trường sinh thái.
Nhà nghiên cứu Phùng Mỹ Trung cũng dẫn Thông tư liên tịch số 27/2013 TTLT-BTNMT-BNNPTNT ngày 26-9-2013 quy định tiêu chí xác định loài ngoại lai xâm hại và ban hành danh mục loài ngoại lai xâm hại. Theo đó, loài cá chim trắng được phóng sinh xuống sông Hồng này thuộc Nhóm 1: Loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại đã xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam. Tên trong thông tư ghi là Paractus brachypomus.
Tuy nhiên, khá nhiều thông tin sau đó thắc mắc và cho rằng con cá được ghi trong Thông tư 27 không phải là con cá mà nhà nghiên cứu Phùng Mỹ Trung nêu.
Trước những ý kiến trái chiều này, nhà nghiên cứu Phùng Mỹ Trung đã có ý kiến về tên gọi của loài cá này.
Ông cho biết, vấn đề tên gọi các loài sinh vật liên quan đến danh pháp về loài dùng trong phân loại học được qui định theo tiêu chuẩn quốc tế về danh pháp loài. Các qui định về danh pháp loài được cả thế giới công nhận và sử dụng theo một chuẩn chung với những luật về danh pháp chặt chẽ.
Theo đó, tên khoa học của 1 loài được viết bằng ngôn ngữ Latin và được chia làm 2 phần chính gồm tên giống (chi ở thực vât) = Genus và tên loài = species. Một số loài còn phân chia tên loài thành loài phụ = sub species.
Tên khoa học (tên Latin) của một loài có thể có nhiều tên đồng danh Synonym tức một loài cũng có thể có nhiều tên khác nhau.
Vì trước đây khoa học chưa có điều kiện kết nối như hiện nay và có rất nhiều nhà khoa học đã cùng công bố 1 loài với nhiều tên khác nhau, dù đó chỉ là 1 con. Do vậy chúng có tên đồng danh (Synonym) và để tri ân người đầu tiên phát hiện, (người ta dựa vào năm công bố), hội nghị các nhà khoa học quốc tế thống nhất lấy tên công bố đầu tiên để dùng (mặc dù có thể sau khi làm DNA thấy nó sai cả tên giống lẫn tên loài).
Tên đồng danh còn được đặt sau khi các nghiên cứu gần đây đã dựa vào các kết quả di truyền gen DNA và các công cụ nghiên cứu hiện đại khác, thấy rằng những loài trước đây có những đặc điểm khác biệt nên họ thay tên giống = Genus để xếp vào một giống có những đặc điểm chung giống nhau nhất. Cũng có thể thay tên loài = Species.
Theo danh pháp quốc tế trong Data base dữ liệu về cá- một trang web uy tín nhất về ngành cá thế giới thì loài cá chim trắng Colossoma brachypomum (Cuvier, 1818) là tên đồng danh của loài Piaractus brachypomus (Cuvier, 1818) mà trong Thông tư liên tịch số 27/2013/TTLT-BTNMT-BNNPTNT, ngày 26-9-2013 đã đề cậpi.
Ngoài tên đồng danh Colossoma brachypomum (Cuvier, 1818) thì loài Piaractus brachypomus (Cuvier, 1818) còn có thêm các tên đồng danh khác là:
Myletes brachypomus Cuvier, 1818
Myletes paco Humboldt, 1821
Colossoma paco (Humboldt, 1821)
Myletes bidens Spix & Agassiz, 1829
Colossoma bidens (Spix & Agassiz, 1829)
Reganina bidens (Spix & Agassiz, 1829)
Wateina fowleri Amaral Campos, 1946
Trong quá trình sử dụng tài liệu thì các tên thường dùng và tên đồng danh đều được dùng như nhau. Người ta vẫn có thể thay đổi tên đồng danh thành tên thường dùng khi có những phát hiện mới hơn về DNA.
Mặc khác, sau bài viết trên, khá nhiều thông tin cho rằng, vào năm 2003, cuộc tranh luận xung quanh con cá chim trắng có gây hại hay không cũng khá rầm rộ. Thời điểm đó, Bộ Thủy sản (nay là Bộ NN&PTNT) đã có báo cáo Chính phủ khẳng định, cá chim trắng không gây hại và dù cùng họ với cá hổ Nam Mỹ nhưng khác loài.
Tuy nhiên, năm 2013, liên bộ Tài nguyên - Môi trường và Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư liên số 27/2013/TTLT-BTNMT-BNNPTNT xác định cá chim trắng có tên khoa học Piaractus brachypomus hay Colossoma brachypomum như nhà nghiên cứu Phùng Mỹ Trung đã giải thích thuộc danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại đã xuất hiện tại Việt Nam.