Phát hiện loài khủng long khát máu, tính nóng như lửa

Google News

(Kiến Thức) - Các nhà khoa học vừa tìm thấy môt loài khủng long cực kỳ nóng tính và khát máu, nỗi kinh hoàng của tất cả động vật nhỏ hơn.

Hóa thạch loài khủng long Tachiraptor admirabilis, được cho là rất nóng tính, khát máu vừa được tìm thấy ở tiểu bang Tachira của Venezuela. Theo các nhà khoa học, loài khủng long mới được tìm thấy này có chiều dài khoảng 2m, là động vật ăn thịt khét tiếng ở giai đoạn đầu của kỷ Jura.
Tachiraptor có thể ăn thịt tất cả các loài động vật nhỏ hơn nó, nhà nghiên cứu Max Langer chia sẻ trên tờ Discovery News. Loài khủng long này đại diện cho cả một chi và loài mới. Phát hiện về hóa thạch của nó đã giúp các nhà khoa học tìm hiểu được cách thức loài thú ăn thịt phân bố trên toàn thế giới sau sự kiện tuyệt chủng hàng loạt vào kỷ Triat (giai đoạn hủy diệt của khoảng 84% dân số các loài, trong đó có nhiều loài khủng long).
Khủng long Tachiraptor có thể ăn thịt tất cả các loài động vật nhỏ hơn nó.
Trong giai đoạn nhiều loài khủng long bị tuyệt chủng, khủng long Tachiraptor đã sống sót vô cùng mạnh mẽ, chống lại sự “tra tấn” của các vụ phun trào núi lửa, nhiệt độ khắc nghiệt và ảnh hưởng do mực nước biển giảm. 
Các nhà khoa học cho rằng vành đai xích đạo bao gồm cả miền Nam Bắc Mỹ, phía bắc Nam Mỹ và Bắc Phi đóng vai trò quan trọng đối với sự tồn tại của nhóm khủng long. Trong khu vực vành đai, điều kiện sống ẩm ướt hơn và có khí hậu nhiệt đới. Hóa thạch loài Tachiraptor được tìm thấy ở những vùng rừng, có các dòng sông gần đó.
Loài Tachiraptor dành khá nhiều thời gian săn mồi - những con khủng long ăn thực vật, có kích thước nhỏ hơn, chỉ bằng một nửa kích thước của loài khủng long ăn thịt. Đó là lý do các nhóm khủng long ăn thực vật như Laquintasaura sống theo bầy đàn, để bảo vệ mình trước sự khát máu của Tachiraptor.
Các nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn loài khủng long ăn thịt này sống đơn độc hay theo bầy đàn. Các loài thú ăn thịt ngày nay có xu hướng không sống thành đàn.
Lưu Thoa (theo DC)

Bình luận(0)