Từ một cậu bé phải nghỉ học, nhặt rác phải kiếm sống đến trở thành một nhà khoa học nổi tiếng thế giới, câu chuyện của PGS.TS Phạm Minh Sơn đã truyền cảm hứng cho sự vươn lên trong cuộc sống và khát vọng với tri thức.
|
PGS.TS Phạm Minh Sơn. Ảnh: NVCC/HUST. |
Nhà khoa học được Hiệp hội Vật liệu thế giới vinh danh
Với những nghiên cứu xuất sắc và đột phá về vật liệu cho công nghệ in 3D, PGS.TS Phạm Minh Sơn, lãnh đạo nhóm nghiên cứu về vật liệu tiên tiến cho hàng không, vũ trụ và hệ thống năng lượng ở Đại học Hoàng Gia London (Imperial College London) đã được Hiệp hội Khoáng sản, Kim loại và Vật liệu (TMS) trao Giải thưởng Nhà sáng tạo trẻ 2024.
Giải thưởng này dành cho một nhà khoa học trẻ mỗi năm - vinh danh nhà khoa học dưới 40 tuổi đã tạo ra những nghiên cứu khoa học xuất sắc và đột phá về vật liệu cho công nghệ sản xuất in 3D.
|
Với những nghiên cứu xuất sắc và đột phá về vật liệu cho công nghệ in 3D, PGS.TS Phạm Minh Sơn đã được trao Giải thưởng Nhà sáng tạo trẻ 2024. Ảnh: NVCC/HUST. |
Công trình đạt Giải thưởng Nhà sáng tạo trẻ 2024 của PGS.TS Phạm Minh Sơn đã nghiên cứu về việc kết hợp công nghệ in 3D với khoa học kim loại tạo ra siêu tinh thể nhẹ nhưng có độ bền cao và có khả năng lập trình để trở nên thông minh nhờ việc mô phỏng các cấu trúc và các nguyên lý hoá bền và chuyển đổi pha trong tinh thể tự nhiên. Phát hiện này mở đường tạo ra vật liệu in 3D gọn nhẹ, có độ bền cao sử dụng trong kết cấu, thiết bị ôtô, hàng không và vũ trụ.
Hội đồng Biên tập của Tạp chí Nature ca ngợi đây là nghiên cứu siêu cấu trúc với nhiều ứng dụng. Tạp chí Reuters coi là một trong những nghiên cứu sáng tạo nổi bật trong bảng xếp hạng 10 trường ĐH sáng tạo nhất thế giới năm 2019.
Ngoài công trình này, PGS.TS Phạm Minh Sơn có nhiều nghiên cứu đột phá được công bố trên tạp chí uy tín như Nature, Nature Communications cùng hơn 20 báo cáo mời tại các hội nghị quốc tế lớn như TMS, Programmable Materials 2020, ICMAT 2019; và giảng bài ở các đại học hàng đầu thế giới như MIT, Oxford, Michigan.
Tuổi thơ nghèo khó, từng bỏ học, đi nhặt rác kiếm sống
PGS.TS Phạm Minh Sơn sinh năm 1982 tại Việt Trì, Phú Thọ. Khi Sơn học xong lớp 1 thì một biến cố lớn xảy đến với gia đình. Gia đình vỡ nợ, cả nhà phải sống trong một chiếc lều tạm bợ nằm giữa hai quả đồi. Để mưu sinh, mẹ của Sơn phải đi thu mua sắt vụn, ba anh em Sơn cũng phải nghỉ học nhặt rác khắp các phố và bãi rác ở Việt Trì để đỡ đần mẹ.
|
Căn nhà của gia đình nhà PGS.TS Phạm Minh Sơn ở từ năm 1990 đến 2014, ảnh chụp năm 2008. Ảnh: NVCC. |
Lên 9 tuổi, Sơn được cả nhà ưu tiên cho đi học, bởi là con út. Được đi học, đối với Sơn là niềm vui lớn khi thay vì mỗi sáng phải đi nhặt rác, thì lại được tới trường như bao bè bạn.
Có điều, khi Sơn quay trở lại trường, tuổi của Sơn đã ở lớp 4. Nhưng Sơn lại bỏ qua mất lớp 2 và 3 không học. Không muốn học với lớp không đúng tuổi, Sơn xin sách vở về tự học, và xin được học “nhảy cóc” lên lớp 4. Vừa học, Sơn vẫn vừa giúp mẹ bán hàng ở chợ.
Với quyết tâm cao, lực học của Sơn tiến bộ dần. Năm Sơn học cấp 3, Sơn đã đạt giải Nhì cuộc thi học sinh giỏi tỉnh môn Toán - giải cao nhất toàn đoàn của trường cấp 3 Việt Trì năm ấy.
Chia sẻ về con đường trở thành một nhà khoa học vật liệu, PGS.TS Sơn gọi đó như là một “duyên phận”. Không hiểu sao, suốt những năm tháng tuổi thơ gian khổ, nhưng Sơn luôn có mơ ước sẽ trở thành một nhà khoa học. Học hết cấp 3, Sơn thi đỗ vào ĐH Bách khoa Hà Nội, nhưng Khoa học vật liệu không phải là nguyện vọng 1 sau 2 năm học đại cương.
Tuy nhiên, càng học, chàng sinh viên Sơn càng thấy thích lĩnh vực này. Đặc biệt, khi được học về độ bền của vật liệu tinh thể kim loại, nhận ra rằng tất cả các tinh thể trong tự nhiên đều không hoàn hảo mà đều chứa khuyết tật. Thuộc tính của tinh thể kim loại phụ thuộc chính vào khuyết tật của nó. Tăng mật độ khuyết tật lại chính làm tăng khả năng chịu tải của kim loại.
Ngoài ra, kim loại trải qua quá trình nhào nặn, biến dạng cơ học và sau đó xử lý cơ nhiệt sẽ làm tăng độ bền cho kim loại lên rất nhiều. Điều khiển cấu trúc tinh thể tạo ra kim loại tiên tiến ví dụ như siêu hợp kim làm việc ở ngàn độ C trong động cơ máy bay.
“Điều này rất thú vị và giống mỗi người chúng ta: Học hỏi từ những điểm yếu, vấp ngã thất bại để rồi đứng lên sẽ giúp cho mỗi người hoàn thiện hơn”, PGS.TS Phạm Minh Sơn trải lòng.
Tốt nghiệp bằng giỏi của Đại học Bách khoa Hà Nội bằng giỏi năm 2005, PGS Phạm Minh Sơn đã xin được học bổng thạc sĩ tại Korea University (Hàn Quốc). Năm 2008, Minh Sơn nhận học bổng nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ ETH Zurich. Luận văn tiến sĩ của anh về phá hủy kết cấu thép trong nhà máy điện nguyên tử được trao huy chương ETH Medal cho luận văn tiến sĩ xuất sắc. Năm 2013, TS Sơn sang làm việc tại Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) để theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học.
Tháng 12/2015 anh bắt đầu xây dựng nhóm nghiên cứu ở Đại Học Hoàng Gia London (Imperial College London - top10 trường hàng đầu thế giới theo Times Higher Education), sau đó trở thành giảng viên cao cấp năm 2021.
Ngoài công việc nghiên cứu, PGS.TS. Phạm Minh Sơn còn giữ vai trò là nhà phê bình tích cực cho nhiều tạp chí khoa học uy tín bao gồm: Nature, Nature Comms, Science Advances, Acta Mat và các tổ chức tài trợ EPSRC, ERC Horizon 2020, Royal Society, NSF.
Anh cũng là Phó Tổng Biên tập của Tạp chí Vi cơ và Vật lý Phân tử và là thành viên ban biên tập của Tạp chí Kim loại và Vật liệu Quốc tế. Ngoài ra, PGS Phạm Minh Sơn cũng đang làm việc tại nhiều ủy ban khoa học (bao gồm Hiệp hội Vật liệu Luân Đôn, Điểm chuẩn Sản xuất Phụ gia).
Đam mê và kiên trì – chìa khóa vượt lên khó khăn
PGS.TS Phạm Minh Sơn chia sẻ, được đi học đối với anh là một đặc ân. Nên khi có cơ hội được học hỏi thêm kiến thức, anh đã quyết tâm nắm lấy. “Đam mê và kiên trì trong khoa học giúp tôi vượt qua những bấp bênh và gian nan”, PGS.TS Phạm Minh Sơn chia sẻ.
|
PGS. Phạm Minh Sơn vẫn giữ liên lạc và chụp ảnh lưu niệm nhân buổi thăm thầy PGS. Đào Minh Ngừng (2022). Ảnh: HUST. |
Tuy nhiên, để có được những thành quả như ngày hôm nay, không chỉ có nỗ lực của cá nhân PGS Sơn. PGS.TS Phạm Minh Sơn tâm sự, anh đã may mắn gặp được rất nhiều những người thầy giỏi và nhiệt huyết, đã truyền cho anh không chỉ kiến thức mà còn là tình yêu với nghề giáo. Trong đó, có PGS. Đào Minh Ngừng (nguyên Viện trưởng Viện Vật liệu), người thầy đã dìu dắt anh những bước đi đầu tiên trên con đường nghiên cứu.
Anh cũng may mắn khi có được một người vợ đã hết lòng ủng hộ, vợ anh cũng là một cựu sinh viên Trường Điện - Điện tử, ĐH Bách khoa Hà Nội. Thời gian theo đuổi con đường khoa học phải di chuyển qua nhiều nước gây không ít xáo trộn và vất vả cho gia đình, vợ anh luôn là hậu phương vững chắc cho chồng, để anh yên tâm nghiên cứu.
“Không có vợ, thầy/cô và đồng nghiệp hỗ trợ, tôi không thể vượt qua được những thất bại và cảm giác chơi vơi trên con đường khoa học”, PGS.TS Phạm Minh Sơn chia sẻ.
Theo PGS.TS Phạm Minh Sơn, thành công mỗi người phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Anh cho rằng, với những ai kiên trì xây dựng con đường đã chọn, biết lắng nghe và tự đánh giá rút kinh nghiệm từ các thất bại, đặc biệt luôn biết trân trọng và cảm thấy có trách nhiệm không làm lãng phí các hỗ trợ của gia đình, thầy cô và những người tốt bụng thì sẽ thành công.