1. Thủy triều đỏ là gì?
|
Hình ảnh hiện tượng thủy triều đỏ trên biển. |
Hiện tượng thủy triều đỏ là sự bùng nổ số lượng tảo biển khi gặp những điều kiện thuận lợi như nhiệt độ tăng, ô nhiễm môi trường nước. Sự bùng nổ này khiến cho nước biển có màu đỏ hoặc màu nâu, màu giống cám gạo...
Từ xa xưa, con người đã ghi nhận hiện tượng này. Các thổ dân Bắc Mỹ biết trước được rằng cá sẽ chết “trắng” trên biển nếu có thủy triều đỏ xảy ra. Sách Xuất Hành trong Kinh Cựu Ước được viết vào năm 1500 TCN cũng đã ghi chép về hiện tượng nước sông, suối và ao, hồ chuyển thành màu máu.
2. Nguyên nhân gây ra hiện tượng thủy triều đỏ
|
Thủy triều đỏ có thể có màu đỏ như máu, màu nâu, màu cam... |
Trên thế giới, có nhiều giống tảo có thể gây ra thủy triều đỏ như giống Gonyaulax, Gymnodinium, Perdinium... thuộc ngành tảo roi. Chúng là những sinh vật có kích thước rất nhỏ mà mắt thường không thể nhìn thấy được. Còn tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu cho thấy, ở ven biển nước ta có khoảng 70 loài tảo có thể gây ra thủy triều đỏ. Trong đó, hiện tượng nở hoa của loại tảo Phaeocystis globosa thường xảy ra ở vùng biển Bình Thuận và có thể kéo dài đến 1 tháng.
Ở điều kiện bình thường, các loài tảo trên tồn tại trong nước biển ở dạng bào xác. Khi gặp điều kiện thuận lợi, chúng sẽ sinh sản rất nhanh khiến nước biển chuyển sang màu đỏ. Điều kiện đó có thể là nhiệt độ tăng, sự ô nhiễm của môi trường nước. Trong đó, các hoạt động nông nghiệp thải ra đại dương một lượng lớn hóa chất, phân bón giàu các chất lân và đạm, các chất thải của ngành công nghiệp sắt thép có thể là nguyên nhân gây ra thủy triều đỏ.
3. Tác hại của hiện tượng thủy triều đỏ
|
Cá chết hàng loạt do thủy triều đỏ. |
Sự “nở hoa” của các loài tảo trong hiện tượng thủy triều đỏ sinh ra nhiều chất độc và làm giảm nhanh chóng lượng oxy trong nước khiến cho nhiều loài sinh vật tự nhiên và nuôi trồng chết hàng loạt. Hiện tượng này đã được ghi nhận ở nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Mỹ, Canada... Năm 2015, 36 tấn cá ở Hồng Kông đã bị chết do hiện tượng này.
Các chất độc của hiện tượng thủy triều đỏ còn được tích lũy trong cá và các loài trai khiến cho người ăn chúng bị ngộ độc. Năm 2013, đã có 2 người tử vong do ăn phải sinh vật biển bị nhiễm độc sau vụ thủy triều đỏ tại bờ biển Borneo.