Đông Hoa (tên nhân vật đã được thay đổi) là một cô gái nông thôn ở Hà Bắc, Trung Quốc. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, Đông Hoa đã phải bỏ học giữa chừng và một mình đến Hồ Nam để làm việc kiếm tiền nuôi em trai ăn học.
Năm 20 tuổi, Đông Hoa gặp người chồng hiện tại của mình là anh Lý Diệu Bân, người Hồ Nam. Sau một thời gian quen biết và tìm hiểu, hai người quyết định kết hôn về chung sống một nhà. Do anh Bân cũng xuất thân từ gia đình nông thôn, điều kiện gia đình cũng không khá giả gì nên vợ chồng anh chị đều phải tự mình nỗ lực kiếm sống.
Bằng khoản tiền tích cóp những năm đi làm thuê, Đông Hoa và chồng đã quyết định mở một cửa hàng bán thịt lợn ngay tại nhà. Vì muốn ổn định kinh tế nên hai người trì hoãn việc sinh con. Tuy nhiên, mẹ chồng Đông Hoa dường như không đồng tình với việc đó.
Sau gần 1 năm kết hôn, mẹ chồng chưa thấy Đông Hoa có con nên vô cùng lo lắng, thậm chí là phật ý. Bà yêu cầu con trai và con dâu đi bệnh viện kiểm tra. Kết quả cho thấy hai người hoàn toàn bình thường, không có vấn đề sức khỏe gì đáng lo ngại.
|
Bụng mỗi ngày một lớn, chị Hoa hào hứng chờ ngày con chào đời. |
Vì mẹ chồng giục chuyện con cái nhiều nên vợ chồng Đông Hoa cũng quyết định có con, thế nhưng đến lúc muốn có con nhất thì chị lại không thể mang thai ngay. Chính vì điều này mà chị thường xuyên phải nghe những lời nhiếc móc, trách mắng của mẹ chồng.
3 năm sau ngày kết hôn, cuối cùng chị Đông Hoa (hiện 26 tuổi) cũng mang thai. Từ khi biết mình sắp được lên chức, mẹ chồng chị Hoa vui vẻ và phấn khởi. Bà chăm sóc con dâu rất cẩn thận. Cả ngày chị Hoa không phải làm gì cả, chỉ việc nghỉ ngơi thật tốt chờ ngày đứa con chào đời.
Mang thai được vài tháng, chị Hoa cùng chồng về Hồ Bắc thăm gia đình. Vì nhà chị ở nông thôn, xa bệnh viện nên chị tiến hành kiểm tra sức khỏe ngay tại làng. Bác sĩ làng cho biết thai nhi ổn định và dặn chị Hoa yên tâm tĩnh dưỡng.
Thế nhưng, điều kì lạ là đã qua 9 tháng 10 ngày mà chị Hoa vẫn chưa chuyển dạ. Gia đình có chút lo lắng nhưng vẫn kiên nhẫn đợi. Tuy nhiên, 2 tháng sau đó, đứa con trong bụng chị vẫn không có dấu hiệu muốn đòi ra. Lúc bấy giờ, anh Bân mới đưa vợ lên bệnh viện tỉnh để khám.
|
Bác sĩ siêu âm "thai" cho chị Hoa. |
Theo kết quả kiểm tra, bác sĩ tuyên bố chị Đông Hoa không hề mang thai. Không tin vào điều đó, chị chỉ vào cái bụng to của mình rồi thắc mắc: “Tôi không có thai sao? Tôi bị chậm kinh một thời gian dài, bụng cũng lớn dần lên mỗi ngày. Làm sao tôi lại không mang thai được chứ?”.
Bác sĩ đã cho Đông Hoa xem kết quả siêu âm. Sau khi tận mắt nhìn thấy kết quả, chị Hoa vô cùng choáng váng và gần như ngất đi. Bác sĩ cũng khuyên chị tiến hành kiểm tra sức khỏe tổng thể. Cuối cùng, họ chẩn đoán chị đã mắc phải hội chứng “mang thai tưởng tượng” hay còn gọi là “mang thai giả”.
Theo lí giải của bác sĩ, hội chứng này xuất hiện khi quá khát khao có con. Áp lực nặng nề từ gia đình hoặc người bạn đời đã ảnh hưởng rất nhiều đến tư tưởng người phụ nữ, từ đó dẫn đến những thay đổi về tâm lý và sinh lý.
Hệ nội tiết của phụ nữ thay đổi dẫn đến cơ thể của họ cũng dần hình thành các biểu hiện y hệt một người mang thai thực sự. Họ cũng mất kinh nguyệt, ngực căng lớn, sậm màu, có khi tiết sữa non và bụng cũng lớn dần (thường do tích mỡ và nước). Nhiều người còn ốm nghén nhưng thực ra đó là sự bắt chước vô thức của một người phụ nữ mang thai giả. Thậm chí một số trường hợp khi dùng que thử thai còn cho kết quả dương tính.
Nghe xong lời giải thích của bác sĩ, vợ chồng chị Hoa lặng người suy nghĩ. Chị tin những điều bác sĩ nói là thật bởi chị nhớ lại những lời trách mắng của mẹ chồng năm xưa khi thúc ép vợ chồng chị nhanh chóng có con.
Chị thừa nhận rằng mỗi ngày mình đều nghĩ đến việc có con sau khi nghe mẹ chồng dọa sẽ bắt hai vợ chồng ly hôn nếu không mang thai. Có lẽ vì áp lực từ phía mẹ chồng mà chị mới mắc phải hội chứng mang thai giả.
Các bác sĩ khuyên vợ chồng chị Đông Hoa nếu muốn có con thực sự thì trước tiên tâm lý cần phải thoải mái, không được lo nghĩ quá nhiều. Đồng thời, chị Hoa cũng phải thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe nếu thấy có hiện tượng gì bất thường.