Cơ quan vũ trụ Mỹ (
NASA) đang nghiên cứu loài tôm Rimicaris hybisae sống tại một trong những rãnh nhiệt sâu nhất thế giới ở vùng biển Caribbean. Các nhà khoa học nghiên cứu hệ sinh thái bí ẩn này để tìm ra manh mối về sự sống có thể tồn tại bên ngoài
Trái đất, như mặt trăng băng Europa của sao Mộc.
|
Loài tôm Rimicaris hybisae có khả năng sống tại các rãnh nhiệt có nhiệt độ lên tới 400 độ C. |
“Trong khoảng 2/3 thời gian của lịch sử Trái dất, sự sống chỉ tồn tại ở dạng như vi khuẩn”, tiến sĩ Max Coleman, nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm phản lực của NASA ở California, cho biết. “Trên mặt trăng Europa của sao Mộc, sự sống có nhiều khả năng tồn tại ở dạng vi khuẩn”.
Các nhà khoa học đã thu thập những con tôm Rimicaris hybisae tại khu rãnh nhiệt ở vùng biển Caribbean là Von Damm (sâu 2.300m) và Piccard (sâu 4.900m). Loài tôm nhỏ này bấu vào lưng nhau thành từng lớp quanh các ống đá phun trào nước nóng.
Nhiệt độ tại các rãnh nhiệt có thể tăng lên tới 400 độ C, nhưng nước cách miệng lỗ vài cm đã đủ lạnh để trung hòa nhiệt độ. Loài tôm sống quanh những rãnh nhiệt này bị mù, nhưng chúng có cơ quan cảm nhận nhiệt độ ở trên đầu.
Vi khuẩn trong miệng và mang của tôm, tạo ra vật chất hữu cơ làm thức ăn cho chúng. Những vi khuẩn này có khả năng sống sót trong điều kiện môi trường khắc nghiệt là do hóa tổng hợp – một quy trình diễn ra khi không có ánh sáng mặt trời và có sự tham gia của các sinh vật hấp thụ năng lượng từ các phản ứng hóa học. Trong trường hợp này, vi khuẩn sử dụng H2S, hóa chất có nhiều tại các rãnh nhiệt, để tạo thành vật chất hữu cơ.