|
Cây pơ mu "khủng" có niên đại khoảng từ 800-1000 năm. |
Ngày 9/5, thông tin từ Vườn Quốc gia Vũ Quang cho biết: Đơn vị vừa tìm thấy một quần thể cây pơ mu, trong đó, ghi nhận cá thể cây pơ mu có kích thước lớn nhất từ trước đến nay.
Theo đó, thời gian gần dây, các cán bộ Vườn Quốc gia Vũ Quang đã phát hiện một quần thể pơ mu tại tiểu khu 203, ở độ cao 1.445m thuộc. Đặc biệt có một cá thể cây pơ mu có kích thước lớn nhất từ trước đến nay. Cây pơ mu “khủng” này có đường kính đo được lên đến 2.20m, chiều cao gần 30m. Sau khi khoan vòng năm để nghiên cứu, theo chuyên gia, cây có niên đại nằm trong khoảng 800- 1000 năm.
Ghi nhận sơ bộ của nhóm nghiên cứu cho thấy, quần thể pơ mu tại đây phân bố với mật độ dày và cây rất nhiều năm tuổi, mức độ tái sinh của loài này tại khu vực là rất cao, đây là một tín hiệu rất tốt cho công tác bảo tồn và phát triển của loài pơ mu tại Vườn Quốc gia Vũ Quang.
|
Quần thể cây pơ mu được phát hiện có mật độ dày, rất nhiều năm tuổi. |
Trong cùng khu vực phân bố, nhóm nghiên cứu ghi nhận các loài thực vật ưu thế mọc chung với Pơ mu bao gồm: Du sam núi đất (Keteleeria evelyniana), bạch tùng (Dacrycarpus imbricatus), hồng tùng (Dacrydium elatum), thông tre lá dài (Podocarpus neriifolius), các loài đỗ quyên (Rhododendron sp) và côm (Elaeocarpus sp).
“Việc để tiếp cận được cá thể pơ mu này là hết sức khó khăn, do tại khu vực có địa hình rất dốc và hiểm trở, nếu thông thạo thuộc địa và đảm bảo sức khỏe phải mất 2 ngày di chuyển liên tục bằng đường bộ”, một cán bộ nhóm nghiên cứu cho biết.
Pơ mu có tên khoa học Fokienia hodginsii (Dunn) A. Henry & H. H.Thomas là loài thực vật thuộc họ Hoàng Đàn (Cupressaceae). Là loài thực vật quý hiếm có giá trị về mặt sử dụng cũng như bảo tồn.
Tại Việt Nam, loài nằm trong danh lục thuộc nhóm 2A là nhóm “hạn chế khai thác và sử dụng” thuộc Nghị định số 32 ngày 30/3/2006 của chính phủ về "Quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý hiếm". Sách đỏ Việt Nam 2007 xếp loài ở mức độ bảo tồn rất cao EN là nhóm các loài “nguy cấp”. Danh lục sách đỏ quốc tế IUCN xếp loài ở mức độ bảo tồn LR.