Đốt giấy ra tiền
Phải mất nhiều cuộc hẹn gặp, chúng tôi mới gặp được ông Đỗ Sơn Hà (phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Không phải gặp ông khó khăn vì ông khó tính mà ở cái tuổi về hưu rồi, đầu 2 thứ tóc nhưng ông Hà vẫn khá bận rộn với việc chăm cháu và hằng ngày đón tiếp bệnh nhân đến khám nhờ bốc thuốc chữa bệnh mà còn tới trường Trung cấp Y - Dược Tuệ Tĩnh - Hà Nội để theo học nâng cao chuyên môn Đông y. Sau khi chúng tôi có mặt như đã hẹn, ông Hà dẫn chúng tôi lên phòng riêng của mình, rồi mang các “đạo cụ” ra biểu diễn mấy trò ảo thuật vui.
|
Ông Hà biểu diễn trò ảo thuật vui. Ảnh: Trần Hải. |
Ông đưa ánh mắt hỏi tôi: Có muốn giấy thành tiền không? Tôi cười khó tin. Nói rồi, ông lấy một tờ giấy trắng tinh A4 và gập thành hình chữ nhật, dùng chiếc kéo cắt tờ giấy thành một mảnh to bằng đồng tiền. Sau đó ông xắn tay áo lên để cho chúng tôi biết rằng tay áo hay tay ông không hề giấu đồng tiền nào. Sau đó ông lấy bao diêm trên mặt bàn đốt tờ giấy đó. Khi tờ giấy cháy gần hết, ông thổi ngọn lửa, xoa tờ giấy thành chút tro vẻ rất huyền bí, bỗng chốc trong nhúm tro giấy đó biến thành đồng 5 nghìn. Thấy vậy, chúng tôi cười vang đầy thán phục...
Uống nước vào bụng, lấy nước qua tai
Chưa hết hồi hộp, thích thú với trò biến giấy thành tiền, ông liền bảo chúng tôi: Trò này còn hay nữa! Ông Hà liền lấy một giá đựng sách, tạp chí bên bàn làm việc của mình và rồi ông rút một cuốn tạp chí lên lật các trang cho chúng tôi để chứng minh nó không có gì bên trong. Sau đó, ông Hà cầm cốc nước lọc uống khoảng 1/2 cốc. Ông đặt cốc nước vừa uống xuống bàn, rồi dùng tay vuốt bụng từ dưới lên trên, từ trên xuống dưới. Sau đó, ông lấy một cuốn tạp chí trên giá sách cuộn thành một chiếc phễu và đặt vào tai. Ông nghiêng bên tai trái hứng vào cuốn tạp chí đó, rồi lắc lắc cuốn tạp chí và cười nói: Đã có!
|
Uống nước vào bụng... |
Trong khi chúng tôi vẫn còn trố mắt chưa hiểu rõ vấn đề thì ông cầm cuốn tạp chí rót vào cốc nước vừa đặt trên bàn, bỗng nước từ trong cuốn tạp chí chảy ra “tồ tồ”. Không còn lời lẽ nào cho nhà “ảo thuật nghiệp dư” chúng tôi chỉ còn biết thưởng cho ông tràng pháo tay và tiếng cười đầy sảng khoái.
|
... lấy nước qua tai. |
Màn biểu diễn thứ 3 ông muốn tặng chúng tôi là màn “đổ nước”. Ông Hà cầm một tờ báo trong giá sách rồi lật trước, sau cho chúng tôi xem nó là tờ báo đọc hằng ngày bình thường, không có gì lạ. Sau đó, ông cuộn tờ báo đó lại thành một cái phễu, lấy cốc nước rót từ từ vào tờ báo. Chỉ trong vài giây, ông lật lại tờ báo ra cho chúng tôi xem và điều ngạc nhiên là tờ báo không có chút nước nào mặc dù chúng tôi đã thấy ông đổ cả cốc nước vào đó. Sau đó, ông lại gập tờ báo lại thành một cãi phễu rồi nắn chỉnh cái phễu báo, nhưng lần này chiếc phễu báo đó nghiêng vào cốc đã chảy nước thành dòng, mà tờ báo vẫn khô nguyên.
Đốt tay bằng xăng mà không sao
Trước khi thực hiện màn biểu diễn thứ 4, ông Hà có bảo chúng tôi bỏ những vật dụng dễ cháy gọn vào một chỗ và nói đây là màn thú vị nhất. “Đạo cụ” của trò ảo thuật này gồm có một chiếc khăn mùi xoa, 1 chiếc khay nhỏ đặt trên bàn, 1 lọ cồn. Ông Hà cầm một chiếc khăn tay mùi xoa cũ, rất mỏng rồi dang chiếc khăn tay ra chứng minh nó không có gì lạ và vứt vào chiếc khay đặt trên bàn xoa xoa vài cái. Ông lấy chiếc khăn đó buộc vào bàn tay trái của mình, đổ lọ cồn lên bàn tay đã buộc khăn. Một tay không tự đánh được diêm, ông mượn chiếc máy lửa của anh phóng viên ảnh nhóm chúng tôi và bật lên châm vào chiếc khăn tẩm cồn đó. Bỗng bàn tay ông rực lửa, ông cười vang, còn chúng tôi sợ hãi, nhăn mặt. Vì là ngọn lửa tẩm cồn nên có màu xanh, khó lên ảnh, nên anh phóng viên ảnh mới bảo: Ông có thể thay nguyên liệu đốt bằng xăng không? Tôi đã gàn mọi người bởi lẽ nhiệt độ của xăng rất lớn, nhỡ không may bị bỏng thì thật nguy hiểm. Song, không để ý tới lời gàn của tôi. Ông Hà đưa cho anh phóng viên ảnh một chiếc xilanh bảo rằng: Anh xuống xe máy lấy chút xăng đi!
Ông thực hiện lần 2, cũng như cách của lần một, nhưng chiếc bàn tay bọc khăn được tẩm xăng đã cháy nghi ngút, ngọn lửa cao và đỏ rực khiến chúng tôi sợ hãi mà mắt to mắt nhỏ để nhìn. Khi ngọn lửa đã tàn, ông Hà bỏ chiếc khăn tay ra và đưa chúng tôi xem bàn tay của ông không hề đỏ hay có vết bỏng nào, lúc này chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm...
Lý giải những điều kỳ bí
Ngồi nhặt những “đạo cụ” vừa bày ra trên sàn nhà và mặt bàn, chúng tôi liền hỏi ông Hà: Sao ông không phải là nhà ảo thuật mà siêu thế? Ông có cách nào hướng dẫn cháu làm 1 trò để về khoe với cơ quan? Ông cười giòn tan: Đơn giản thôi, ai cũng có thể làm được. Nếu nắm được nguyên lý.
Nói rồi, ông ngồi xuống ghế, giọng trầm ngâm kể cho chúng tôi về duyên cớ mình thích xem và mày mò làm những trò ảo thuật: Năm 1966 - 1967, tôi là học sinh trường cấp 2 xã Trung Tú (Ứng Hòa, Hà Nội). Thời điểm này đang có vở kịch Nổi gió của tác gia Đào Hồng Cẩm, trong đó có đoạn tên cố vấn Mỹ đốt bàn tay chị Vân. Thấy vậy tôi rất thích thú, thán phục nhưng lại băn khoăn không biết vì sao họ làm được điều đó mà không hề bỏng tay. Hằng đêm, tôi về suy nghĩ, nghiên cứu và thực hành rồi lý giải được nguyên nhân. Thứ nhất chiếc khăn tay đó phải ẩm ướt. Thứ hai chiếc khay của họ phải có một chút nước ở trong để làm ướt khăn. Và ngọn lửa của họ màu xanh, điều đó chứng tỏ nhiệt độ không cao, họ chỉ dám dùng cồn, ete. Khi đốt bàn tay có quấn khăn, do khăn ướt nên ngọn lửa chỉ đủ để làm khăn bốc hơi mà không gây bỏng da thịt. Đây cũng là lý giải vì sao có những cảnh phim, diễn viên bị cháy thiêu đùng đùng mà không sao, đó là họ đã mặc một chiếc áo bông có nước. Tìm ra nguyên lý đó, tôi đã áp dụng thành công để biểu diễn tại trường vào một buổi văn nghệ trước sự thán phục của thầy, trò. Trò ảo thuật này rất nguy hiểm nhất là dùng xăng đốt, mọi người không nên bắt chước. Còn lý giải cho tờ giấy biến thành tiền là vì bao diêm họ đã cài sẵn một đồng tiền trong đó và được mở săn, khi họ cầm bao diêm nên lấy que diêm thì đồng thời đóng hộp diêm lại và ngay lập tức đồng tiền đã lọt vào bàn tay họ rồi. Vậy là chỉ cần nhanh tay, cộng thêm những hành động “bí ẩn” như xoa tay, thổi phù... các ảo thuật gia đã cho chúng ta những điều lạ lẫm.
|
Ai cũng có thể làm được những trò ảo thuật nếu biết được nguyên lý của nó.
|
Mỗi trò ảo thuật cần có một nguyên tắc. Đối với trò uống nước vào bụng lấy ra ngoài hay trò đổ nước vào báo mà không thấy có nước đâu thì trong những tờ báo, tạp chí đó cần phải có một chiếc túi bóng đã được gắn sẵn đựng nước đối với trò lấy nước trong bụng qua tai ra tạp chí; túi bóng không đựng nước đối với trò đổ nước vào tờ báo mà không thấy nước đâu. Các động tác như nắn chỉnh tờ báo, tạp chí thành chiếc phễu thực chất là họ đang hé mở chiếc túi bóng đó ra để dễ dàng rót nước ra ngoài hoặc đổ nước vào trong. Bằng cách nhanh tay, nhanh mắt, cùng với ánh đèn chiếu trên sân khấu, các ảo thuật gia dễ dàng “che mắt” khán giả để thực hiện những điều tưởng như phi thường.
Sau khi được nghe những điều lý giải đầy khoa học của ông Hà, chúng tôi ai nấy đều tin rằng mình cũng sẽ làm được những trò ảo thuật để khoe với bạn bè, gia đình, tăng niềm vui trong những ngày đón Xuân.