Mời quý vị xem video: Đôi khỉ nhân bản
Kết quả nghiên cứu về đôi khỉ nhân bản Zhong Zhong và Hua Hua vừa được công bố trên tạp chí Cell.
Nhóm nghiên cứu ở Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc tại Thượng Hải đã nhân bản thành công linh trưởng bằng kỹ thuật nhân bản mang tên chuyển nhân tế bào sinh dưỡng (SCNT) từng cho ra đời cừu Dolly. Lần đầu tiên trong lịch sử một loài linh trưởng gần gũi về gene với người được nhân bản thành công.
Sử dụng kỹ thuật nhân bản SCNT, các nhà nghiên cứu lấy nhân ở tế bào trứng của một động vật và thay thế bằng nhân từ tế bào sinh dưỡng của một động vật khác. Trứng sau khi tái tạo được cấy vào vật mang thai hộ và phát triển thành bản sao của động vật hiến nhân tế bào thay thế.
Được biết, các nhà nghiên cứu đã thất bại rất nhiều trước khi tìm ra cách nhân bản thành công một con khỉ. Lần này, bí quyết thành công của các nhà khoa học là tiến hành quá trình SCNT nhanh hết mức có thể để hạn chế hư tổn ở trứng.
Thành công này đánh dấu bước tiến lớn trong lĩnh vực nhân bản, tuy nhiên cũng dấy lên nhiều nghi ngờ về tính đạo đức. Nhiều chuyên gia cho rằng kĩ thuật này có thể dùng để nhân bản người. Nhưng các nhà nghiên cứu nói rằng, việc tạo ra những con khỉ nhân bản có gene giống hệt nhau, có thể hữu ích đối với nghiên cứu y khoa, giúp họ tìm ra cách chữa các bệnh hiểm nghèo hiện nay của con người.
Kỳ thực, con khỉ nhân bản đầu tiên ra đời năm 1999 là con khỉ tên Tetra, nhưng bằng phương pháp đơn giản hơn là tách phôi. Còn kĩ thuật áp dụng lên hai chú khỉ lần này là công nghệ chuyển tế bào lõi.