Ngày 16/6, một con cá hố rồng (còn gọi là cá mái chèo) chết dạt vào bờ biển thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, Quảng Bình.
Theo thông tin trên báo Thanh niên, đây là con cá hố rồng thứ 8 có kích thước dài từ 2-4m chết dạt vào bờ biển tỉnh Quảng Bình được phát hiện trong vòng 20 ngày qua. Sáng cùng ngày, một con cá khác cũng dạt vào bờ biển xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch.
Theo nhiều ngư dân, việc loài cá này liên tiếp dạt vào bờ là hiện tượng hiếm gặp bởi đây là loài cá sống ở tầng đáy, những người đi biển rất ít gặp và thông thường 2-3 năm mới phát hiện 1 con chết dạt vào bờ.
|
Cá hố rồng chết dạt vào bờ biển Quảng Bình. Ảnh: Dân trí |
Trao đổi với Đất Việt, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật) cho biết, cá hố rồng sống ở độ sâu 1.000m so với mực nước biển.
Ông không tin rằng loài cá này chết là do môi trường nước bị ô nhiễm bởi theo kết quả quan trắc, giám sát môi trường biển 4 tỉnh miền Trung do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, nước biển ở đây đã sạch, hải sản an toàn, các hoạt động sản xuất - kinh doanh biển ở 4 tỉnh miền Trung đã trở lại bình thường.
Theo vị chuyên gia, có khả năng cá hố rồng chết do biến đổi khí hậu.
"Có thể do điều kiện biến đổi khí hậu làm thay đổi nhiệt độ dưới đáy biển. Nước biển nóng lên, khiến cho rong rêu và một số loài cá ở tầng sâu thiếu oxy. Hệ quả là một số loài buộc phải di chuyển lên các tầng nước nông hơn để tồn tại và có loài đã chết. Ở đây vẫn chưa rõ cá nổi lên và trôi dạt từ hướng nào vào bờ biển Quảng Bình", GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh nhận xét.
Trước đó, có nhiều đồn đoán rằng cá hố rồng chết, trôi dạt liên tiếp vào bờ biển Quảng Bình là điềm báo trước động đất. Tuy nhiên, GS Huỳnh phủ định điều này.
"Động đất phát ra nội lực rất mạnh. Nếu động đất dưới biển sâu thì ở phía trên cũng xảy ra hiện tượng trào nước rất mạnh và hàng loạt loài cá khác cũng chết. Nhưng ở đây, cá chết từ từ, trôi dạt vào bờ biển người ta mới biết. Vì thế, đó chỉ là những suy đoán của người dân", GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh nhấn mạnh.