Phát hiện 40 cá thể Voọc mông trắng
Nhiều lần đi rừng, người dân huyện Kim Bảng (Hà Nam) đã phát hiện ra đàn linh trưởng thường xuyên xuất hiện tại khu vực rừng trên núi đá vôi thuộc các xã Thanh Sơn, Liên Sơn và thị trấn Ba Sao. Việc phát hiện đó đã thu hút sự quan tâm của Tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế (FFI).
Năm 2016, tổ chức FFI đã về Hà Nam tìm hiểu, nghiên cứu hiện trạng đa dạng sinh học tại rừng Kim Bảng. Sau nhiều tháng ăn ngủ tại các cánh rừng, FFI và các cơ quan chức năng tỉnh Hà Nam đã phát hiện nhiều loài động, thực vật quý hiếm như khỉ mốc, diệc núi, chim hồng hoàng, sóc bụng đỏ, chim mào vàng, chim hút mật họng tím và đặc biệt đã phát hiện ra 7 đàn voọc mông trắng với tổng số 40 cá thể.
|
Voọc mông trắng ở Rừng Quốc gia Cúc Phương (ảnh: Nguyen Van Truong, speciesonthebrink.org) |
Theo các chuyên gia FFI, rừng Thanh Sơn mang đặc trưng của rừng núi đá, có hệ động, thực vật phong phú và đa dạng không thua kém bất kỳ khu rừng tự nhiên nào. Đặc biệt, tại đây có các hang động lớn là điều kiện thuận lợi để Voọc mông trắng sinh sống.
Những nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, Voọc mông trắng là loài động vật hoang dã di chuyển ước tính 30 km/ngày. Cự ly di chuyển phụ thuộc nhiều vào vị trí ngủ, lượng thức ăn của khu vực, giới tính, tuổi của Voọc và điều kiện thời tiết.
Việc di chuyển từ chỗ ngủ đến chỗ kiếm ăn của Voọc mông trắng không liên tục mà vừa di chuyển, nghỉ ngơi và quan sát xung quanh để kiểm tra an toàn. Chính vì vậy, rất khó có thể tiếp cận loài voọc này.
Theo ông Trịnh Đình Hoàng, Cố vấn kỹ thuật về Đa dạng sinh học của FFI tại Việt Nam - việc phát hiện Voọc mông trắng ở khu vực núi đá của tỉnh Hà Nam là một tin tốt đối với việc bảo tồn loài Voọc quý hiếm này. Chúng tôi đã ghi nhận được các đàn Voọc mông trắng có con nhỏ. Điều này có nghĩa, các đàn này vẫn có khả năng sinh sản và nếu được bảo vệ tốt, quần thể voọc có thể phục hồi và phát triển.
Cũng theo ông Hoàng, hiện nay, ngoài khu vực vùng núi của huyện Kim Bảng (Hà Nam), ghi nhận có 7 đàn Voọc mông trắng với tổng số 40 cá thể, thì chỉ có khu vực khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long (Ninh Bình) ghi nhận có loài Voọc này.
Một báo cáo của FFI thể hiện, trên toàn lãnh thổ Việt Nam hiện có khoảng 200 cá thể Voọc mông trắng, trong đó tập trung lớn nhất tại khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long (Ninh Bình) với số lượng 120 con. Loài linh trưởng này sống chủ yếu ở rừng cây gỗ trên núi đá vôi.
Tuy nhiên, do sự chia cắt địa hình nên voọc mông trắng sống cả trong sinh cảnh rừng nghèo, thậm chí chỉ có dây leo bụi rậm. Thức ăn chủ yếu của chúng là chồi, lá và quả. Vùng hoạt động kiếm ăn của voọc mông trắng tương đối rộng, cả trên núi đất lẫn núi đá. Phạm vi sống của mỗi đàn từ 20 - 50ha.
Vẫn nguyên nguy cơ tuyệt chủng
Mặc dù phát hiện thêm khoảng 40 cá thể Voọc mông trắng tại Hà Nam, nhưng theo FFI, tình trạng săn bắn của nhóm thợ săn (khoảng 10 người tại huyện Kim Bảng (Hà Nam) và Lạc Thủy (Hòa Bình) là nguyên nhân chính khiến Voọc mông trắng có nguy cơ tuyệt chủng rất cao. Các thợ săn này hiểu rõ về khu rừng và hoạt động của Voọc mông trắng. Họ biết cả số lượng và phân bố của các đàn Voọc mông trắng trong rừng, thậm chí còn biết cả tập tính, chu kỳ kiếm ăn tại các khu vực và điểm ngủ của chúng.
Đặc biệt, những thợ săn này rất giỏi trong việc tiếp cận Voọc mông trắng, nhất là các hang, vách ngủ của loài linh trưởng này. Mới đây nhất, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Nam đã thu hồi một khẩu súng hơi của đối tượng có ý định săn bắt Voọc mông trắng tại khu vực chúng đang sinh sống.
Vì thế, việc khoanh vùng các thợ săn và tổ chức tuyên truyền pháp luật bảo vệ rừng, bảo vệ động thực vật quý hiếm là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, việc ngăn chặn suy giảm diện tích rừng hay diện tích sinh cảnh, nhất là nạn khai thác đá, xâm lấn để trồng trọt và chăn nuôi cũng khá quan trọng.
Theo ghi nhận của Báo Lao Động, chỉ tính trên địa bàn xã Thanh Sơn (huyện Kim Bảng, Hà Nam), đã có 7 doanh nghiệp khai thác đá hoạt động và ngày càng tiến sâu hơn vào vùng lõi của rừng, làm tăng sự đe dọa đối với loài Voọc mông trắng.
Cùng với đó, việc quy hoạch diện tích rừng cho khai thác đá khoảng 400ha (dự kiến cho dây chuyền 3 của nhà máy xi măng Xuân Thành) nằm ở vị trí trung tâm khu rừng, nơi sinh sống của đàn Voọc cũng là mối nguy hại không nhỏ đến sự tồn vong của loài linh trưởng này.
Ông Vũ Văn Cần, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Nam - thừa nhận: Hiện tại quần thể Voọc mông trắng của Hà Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi việc săn bắt của con người và suy giảm sinh cảnh do khai thác đá. Chúng tôi đã đề nghị UBND tỉnh sớm xây dựng đề án khu bảo tồn thiên nhiên để bảo vệ loài linh trưởng đặc biệt này.
Cùng quan điểm trên, tổ chức Động vật Linh trưởng Quốc tế khuyến cáo - Voọc mông trắng đặc hữu tại Việt Nam có nguy cơ tuyệt chủng rất cao và là một trong 5 loài linh trưởng đang bị đe dọa tuyệt chủng ở mức toàn cầu. Loài voọc này bị đẩy tới bờ vực thẳm là do hoạt động săn bắn lấy các bộ phận của chúng làm thuốc và nạn khai thác tài nguyên núi, rừng bừa bãi.
Được biết, Sở NN&PTNT tỉnh Hà Nam đã có công văn đề nghị UBND tỉnh, Sở TN&MT tỉnh tham mưu, kiến nghị, trình Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, xem xét về quy hoạch khai thác khoáng sản và vật liệu xây dựng thuộc các khu rừng tự nhiên, rừng phòng hộ của tỉnh, di chuyển khu mỏ đá dự kiến phục vụ dây chuyền 3 của nhà máy xi măng Xuân Thành đang thăm dò sang vị trí khác, đồng thời chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, các Hạt Kiểm lâm phối hợp với Kiểm lâm các tỉnh giáp ranh như Hòa Bình, Hà Nội, Ninh Bình trong công tác bảo vệ rừng, tuyên truyền vận động nhân dân không săn bắt các loài động vật hoang dã, chặt phá rừng và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, phối hợp với tổ chức Tổ chức bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế, xây dựng đề án “Xây dựng khu bảo tồn Voọc mông trắng Hà Nam” với diện tích gần 50hecta...