Được biết, vài nước trong khu vực Đông Nam Á sẽ được chứng kiến hiện tượng nhật thực toàn phần vào ngày 8/3/2016 (theo giờ EST Hoa Kỳ), tương ứng với ngày 9/3/2016 theo giờ Việt Nam. Nhưng riêng Việt Nam chỉ được xem nhật thực một phần. Các chuyên gia thiên văn cho biết, độ che khuất cao nhất của hiện tượng nhật thực ở Việt Nam là khoảng hơn 59%. Từ Nam ra Bắc, tỉ lệ che khuất sẽ giảm dần.
Dưới đây là một vài khu vực lớn ở Việt Nam sẽ được chứng kiến hiện tượng nhật thực cùng với độ che khuất tương ứng:
Lũng Cú, Hà Giang (16,78%); Hoàn Kiếm, Hà Nội (22,28%); Bỉm Sơn, Thanh Hóa (24,57%); Huế (34,76%), Tam Kỳ, Quảng Nam (37,59%); Nha Trang, Khánh Hòa (48,13%), Long Khánh, Đồng Nai (51,88%); Phú Nhuận, TP.HCM (52,20%); Đất Mũi, Cà Mau (59,43%)…
Ở khu vực Đông Nam Á, nơi xem nhật thực lý tưởng và trọn vẹn nhất chính là Indonesia, tại đất nước này, Mặt trời bị che phủ 100%, cụ thể là ở các đảo Palembang, Sumatra, Palu, Sulawesi, Pulau Ternate, Bắc đảo Maluku…
Ngoài ra, một số nước ở Châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản có thể xem nhật thực với tỉ lệ che khuất dưới 50%, khu vực Thái Bình Dương như Hawaii, đảo Guam cũng có cơ hội ngắm nhật thực toàn phần.
NASA khuyến cáo những người yêu thiên văn nên xem nhật thực một cách khoa học, có thể dùng kính thiên văn chuyên dụng, kính viễn vọng, màng lọc, phim lọc hoặc có thể xem qua một xô nước tự chế để đảm bảo an toàn cho thị giác.
Sau lần nhật thực diễn ra vào 9/3/2016 tới này, người hâm mộ thiên văn sẽ phải đợi đến 21/8/2017 để được xem hiện tượng nhật thực diễn ra lần nữa.
Hiện tượng nhật thực diễn ra khi Mặt trời, Mặt trăng và Trái đất nằm thẳng hàng nhau, với Mặt trăng nằm ở giữa. Lúc này, Mặt trăng sẽ che ánh sáng từ Mặt trời tới Trái đất, ở Trái đất sẽ quan sát thấy bề mặt Mặt trời dần bị che khuất. Nếu ba thiên thể nằm thẳng hàng tuyệt đối, bạn sẽ được xem Nhật thực toàn phần, lúc này Mặt trăng sẽ che kín hoàn toàn bề mặt Mặt trời; hoặc Nhật thực vành khuyên, lúc này Mặt trăng sẽ che Mặt trời nhưng vẫn còn một đường tròn bên ngoài, Mặt trăng và Mặt trời lúc này là hai hình tròn đồng tâm nhưng Mặt trăng nhỏ hơn.