Việt Nam có một loài thú rất lạ lùng, là thú nhưng lại có “cánh”, linh hoạt như chim. Chúng được gọi là chồn bay. Loài này chuyên hoạt động về đêm, lại thoắt ẩn thoắt hiện nên con người rất khó nhìn thấy nó ngoài đời thực.
Chồn bay tên khoa học là Cynocephalidae, họ hàng gần với các loài linh trưởng. Trên thế giới hiện chỉ còn 2 loài chồn bay là chồn bay Sunda và chồn bay Philippines. Loài ở Việt Nam là chồn bay Sunda. Giữa hai chân loài chồn này có vạt da thừa, thoạt nhìn như hai chiếc cánh. Dù gọi là chồn bay nhưng loài này không biết bay mà chỉ đơn giản là lượn và chuyền từ cành cây này sang cành cây khác mà thôi. Thức ăn yêu thích của chúng là hoa, quả, chồi và lá non.
Điều đặc biệt ở chồn bay là khả năng định vị rất tốt. Giữa màn đêm đen kịt, chúng có thể lượn từ cành này sang cành khác mà không bị ngã. Chồn bay Sunda còn dễ dàng vượt qua bụi rậm chi chít một cách dễ dàng.
Chồn bay là loài mang thai trong 60 ngày, nuôi con theo cách tương tự thú có túi. Những chú chồn sơ sinh sẽ bám vào bụng mẹ suốt 6 tháng đầu đời. Chồn mẹ cuộn đuôi và gấp chiếc màng lượn của mình thành một chiếc túi, che giấu con mình trong đó.
Ngày nay, chồn bay đang đối diện nguy cơ tuyệt chủng vì sự săn bắt gắt gao của con người. Việt Nam đã đưa nó vào sách đỏ và nỗ lực bảo tồn. IUCN từng đánh giá đây là loài dễ bị tổn thương do nạn săn bắn, tình trạng phá rừng. Tuy nhiên, đến năm 2008, chồn bay được đánh giá lại là ít quan tâm, nhưng vẫn phải đối mặt các mối đe dọa tương tự.