Nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Oliver Gutfleisch từ Đại học Công nghệ Darmstadt, đã tìm thấy các vi tinh thể carbon có kích thước micromet trong vụn đá bụi của thiên thạch Chelyabinsk.
Họ đã kiểm tra các tinh thể bằng kính hiển vi điện tử (SEM) và phát hiện ra chúng có nhiều hình dạng khác thường: vỏ hình cầu khép kín và hình lăng trụ lục giác dài như một chiếc que. Những tinh thể carbon như thế chưa được nhìn thấy ở bất kỳ đâu trên Trái Đất hoặc trong bất kỳ vật thể ngoài hành tinh nào trước đó.
Carbon được cho là "xương sống" của sự sống nên bất kỳ thứ gì kỳ lạ liên quan đến nó đều được các nhà khoa học hành tinh đặc biệt quan tâm.
Các vật thể lạ bên trong thiên thạch Chelyabinsk - Ảnh: UT Darmstadt
Vẫn chưa rõ vật liệu lạ lùng này được thiên thạch đem đến từ một thế giới ngoài hành tinh, hay hình thành trong quá trình nó rơi, như một đứa "con lai" giữa vật liệu nguyên thủy trong thiên thạch và các tác động từ Trái Đất.
Khi một thiên thể vũ trụ đi vào bầu khí quyển của Trái đất, bề mặt của nó tiếp xúc với áp suất và nhiệt độ cao. Luồng không khí xé ra các giọt nhỏ từ thiên thạch tạo thành một đám mây bụi, và cũng có khả năng vật chất mới được hình thành từ những điều kiện đó.
Chelyabinsk, phát nổ vào ngày 12/5/2013 trên các cánh đồng tuyết ở Nam Urals, là thiên thạch lớn nhất của thế kỷ 21, có đường kính ban đầu lên đến 18 m.
Đám bụi Chelyabinsk, hình thành ở độ cao 80 đến 27 km, đã được một số vệ tinh phát hiện. Nó di chuyển về phía đông trong quá trình tiến hóa và đi vòng quanh toàn bộ địa cầu trong 4 ngày.
Các điều kiện mà bụi thiên thạch rơi ra có thể được coi là duy nhất: đã có một trận tuyết rơi 8 ngày trước khi thiên thạch rơi, tạo ra một đường biên giới riêng biệt cho phép xác định điểm bắt đầu của lớp chứa bụi. Khoảng 13 ngày sau khi thiên thạch rơi cũng có một trận tuyết rơi để bảo tồn bụi thiên thạch đã rơi ra vào thời điểm đó.
Chelyabinsk cho thấy Trái Đất không được bảo vệ tuyệt đối khỏi các vật thể không gian nguy hiểm, đồng thời nó cũng mang đến cho hành tinh của chúng ta những vật liệu độc đáo được tổng hợp trong các điều kiện không thể tái tạo trong các phòng thí nghiệm tiên tiến.
Kết quả nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí EPJ Plus.