Kisaku Suzuki là người đã tiến hành cuộc cách mạng với ngành sushi của Nhật Bản. Sử dụng kiến thức từ công ty sản xuất máy đóng gói kẹo, ông đã sáng chế ra máy làm sushi đầu tiên.
|
Một máy làm sushi của Suzumo. |
Ý tưởng này dựa trên việc nếu có thể giảm chi phí chế biến sushi bằng cách sử dụng máy móc thay vì các đầu bếp được trả lương cao, món ăn đặc sản của Nhật sẽ dễ dàng được tiếp cận hơn với người dân có thu nhập thấp.
4 thập kỷ sau, robot làm sushi của Suzumo Machinery Co. được khoảng 70.000 khách hàng trên toàn thế giới sử dụng, từ dây chuyền sushi đến các nhà máy, và chiếm khoảng 70% thị trường thiết bị tại các nhà hàng.
|
Một công nhân đổ gạo vào máy làm sushi. |
Kaiten sushi, còn được gọi là sushi băng chuyền, đã trở thành một ngành công nghiệp trị giá 6 tỉ USD tại Nhật Bản, một phần nhờ vào sáng chế của Suzuki.
Sushi giá rẻ không thể tồn tại nếu thiếu máy móc của chúng tôi, Ikuya Oneda, người kế nhiệm ông Suzuki làm Chủ tịch Suzumo năm 2004 - một năm trước khi ông Suzuki qua đời - cho biết.
|
Các máy làm sushi đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành ẩm thực Nhật Bản. |
Khi Suzuki bắt đầu chế tạo robot của mình, ý tưởng của ông chỉ nhận được sự phản đối. Năm 1976, sushi vẫn là thức ăn sang trọng chỉ dành cho những dịp đặc biệt. Sushi chủ yếu được bán ở các nhà hàng bởi các đầu bếp chuyên nghiệp với giá cao.
Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên, những đầu bếp này đều phản đối kế hoạch của Suzumo. Theo quan điểm của họ, phải mất 10 năm để đào tạo một đầu bếp làm sushi. Không có máy nào có thể thực hiện công việc này.
Sau 3 năm, Suzumo không thu được gì ngoài việc hết sạch nguồn vốn. “Chúng tôi đã nghĩ đến việc bỏ cuộc”, Oneda cho hay. Năm 1981, công ty hoàn thành robot đầu tiên có khả năng nặn sushi. Đến nay, robot này có thể chế biến 28 loại sushi khác nhau.
“Điều Suzumo đã làm là đưa đặc sản của Nhật Bản trở nên vừa túi tiền và dễ tiếp cận với mọi người”, Robin Rowland - Chủ tịch và CEO của Yo!, một chuỗi nhà hàng phục vụ sushi tại Anh nói.
|
Một miếng sushi do máy chế biến. |
Tuy nhiên, sau nhiều năm, các tranh cãi vẫn tiếp tục diễn ra xung quanh việc sử dụng máy móc để làm sushi.
“Đó là một kiểu khác hoàn toàn”, Yoshikazu Ono, con trai và là người kế thừa đầu bếp sushi bậc thầy Jiro nói.
“Sushi không chỉ đơn giản là cơm nắm. Quá trình chế biến là điều quan trọng nhất, nó đòi hỏi luyện tập không ngừng. Nguyên liệu mà bạn chọn lựa, cách bạn chế biến, bao nhiêu nước bạn cần sử dụng... những điều này một robot không thể làm được”, Ono nói.
Tuy nhiên, theo một thống kê của Maruha Nichiro Corp., hiện nay, gần 3/4 người Nhật cho biết, họ thường dùng bữa các nhà hàng sushi băng chuyền giá rẻ. Và một nửa trong số họ lựa chọn nhà hàng dựa vào giá cả.
Michael Booth, chuyên gia ẩm thực cho rằng, cả sushi hạng sang và sushi giá rẻ đều có thể phát triển.
“Nếu ai đó muốn nếm thử sushi từ nhà hàng Jiro, đó sẽ là một trải nghiệm rất khác biệt. Nhưng sushi giá rẻ, sản xuất hàng loạt cũng là một điều tốt. Thực khách có thể thử nhiều loại sushi mà họ thích”, ông nói.
Các máy làm sushi đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành ẩm thực Nhật Bản.