“Tôi đã bảo họ rằng ‘Khoan đã. Cho tôi thêm thuốc tê đi’. Phải mất một lúc tôi mới nhận ra rằng tôi không ở cùng chiều không gian với họ, nên họ cũng chẳng nghe được tôi nói gì”.
Ông Osteen sau đó đã chứng kiến bản thân đang “đi xuyên qua lồng ngực” và bay lơ lửng bên trên bàn mổ trong khi nhóm phẫu thuật mở lồng ngực ông, lấy quả tim của ông ra và bắt đầu thực hiện phục hồi hư tổn. Không lâu sau, ông nghe thấy có người gọi “quả thận”.
Ông cho biết: “Cả hai quả thận của tôi đã ngừng hoạt động cùng lúc. Tôi biết đó là kết thúc. Đó là lúc tôi đạt tới một tầng trải nghiệm mới. Và khi tôi tới đó, tôi được thấy Đức Chúa, ánh sáng tỏa ra sau lưng ông. Ánh sáng đó sáng lóa hơn bất kỳ ánh sáng nào tôi từng thấy trên trái đất, nhưng chúng không hề chói”.
“Một thiên thần ngọt ngào đã xoa dịu tôi và nói ‘Hãy yên tâm. Mọi thứ sẽ ổn thôi’ và tôi cần phải quay trở lại”.
“Giờ tôi đã hiểu, tôi được đưa trở lại để kể với mọi người về trải nghiệm của tôi”.
Trải nghiệm cận tử
Vào ngày mùa đông đó, ông Osteen đã trải qua một hiện tượng mà các chuyên gia gọi là trải nghiệm cận tử. Hiện tượng này có thể xảy ra khi các bác sĩ làm sống lại một người ngừng thở và tim ngừng đập. Đây là những yếu tố xảy ra khi một người qua đời vì bất kỳ lý do gì, không chỉ riêng trong trường hợp đau tim.
Hàng triệu người đã kể về trải nghiệm cận tử kể từ khi các quy trình hồi sức tim phổi (CPR) được đề ra vào năm 1960, theo khẳng định của bác sĩ Sam Parnia, một bác sĩ chăm sóc đặc biệt của trung tâm y tế NYU Langone Health. Ông đã nghiên cứu hiện tượng này suốt nhiều thập kỷ qua.
Parnia là tác giả chính của một nghiên cứu mới đây nhằm phát hiện “ý thức ẩn” trong cái chết thông qua đo đạc các tín hiệu điện trong não khi bệnh nhân ngừng thở và tim họ ngừng đập.
“Nhiều người đã kể về trải nghiệm tương tự. Ý thức của họ ngày càng cao và rõ hơn, họ có thể suy nghĩ một cách rõ ràng, sắc sảo hơn trong khi các bác sĩ như tôi đang cố hồi sinh họ và nghĩ rằng họ đã chết”.
“Họ thường có cảm giác bản thân đã bị tách rời khỏi cơ thể, có thể thấy các bác sĩ và y tá. Họ có thể kể rõ về những thứ cảm thấy, những điều các bác sĩ đã làm xung quanh theo một cách mà bản thân không thể giải thích được”.
Ông cũng cho biết, bên cạnh đó, họ thường nhìn lại được cả cuộc đời họ, nhớ lại suy nghĩ, cảm xúc và sự kiện mà bình thường không nhớ lại được và bắt đầu đánh giá bản thân dựa trên các nguyên tắc về đạo đức. Đó là “sự thấu hiểu hoàn toàn hành vi của bản thân xuyên suốt cuộc đời theo cách mà họ không thể tự lừa dối”.
Nhiều người trong đó thường kể về việc gặp thần thánh và ông Parnia cho biết, có thể giải thích theo nhiều cách khác nhau: “Nếu họ theo đạo Thiên Chúa thì họ thường nói ‘Tôi đã gặp Jesus’, còn nếu họ theo chủ nghĩa vô thần thì sẽ nói ‘tôi đã gặp một sinh vật đầy tình yêu và trắc ẩn’. Tất cả những điều đó đã được báo cáo trong suốt 60 năm qua”.
Đo sóng não khi thực hiện CPR
Trong bài nghiên cứu được đăng tải vào thứ Năm trên tờ báo khoa học Resuscitation, các nhóm nhân viên được đào tạo bài bản tại 25 bệnh viện ở các nước Mỹ, Anh và Bulgaria đã theo các bác sĩ vào những phòng có bệnh nhân đã chết lâm sàng.
Trong khi các bác sĩ thực hiện CPR, nhóm nghiên cứu gắn thiết bị đo oxygen và sóng não lên đầu bệnh nhân. Các nỗ lực hồi sức thường kéo dài từ 23 tới 26 phút. Tuy nhiên, theo nghiên cứu cho biết, một số bác sĩ cố gắng thực hiện CPR lên tới một giờ đồng hồ.
Ông Parnia cho biết: “Hồi sức là một quá trình rất căng thẳng và khó khăn. Chúng có cường độ rất lớn. Chưa từng có ai thực hiện những nghiên cứu tương tự, nhưng các nhóm nghiên cứu độc lập của chúng tôi đã thực hiện thành công các đo đạc mà không làm gián đoạn các hoạt động chăm sóc y tế cho bệnh nhân”.
Sóng não được đo theo chu kỳ 2 tới 3 phút, khi các bác sĩ ngừng ép ngực và sốc điện để xem xem tim của bệnh nhân đã bắt đầu đập lại chưa.
“Không có di chuyển gì và bầu không khí im bặt. Đó là khi chúng tôi bắt đầu thu thập đo đạc. Chúng tôi phát hiện não của những người chết lâm sàng nhìn chung không có tín hiệu gì, và đó là điều chúng tôi đã đoán trước”.
“Nhưng, một điểm thú vị là ngày cả sau một giờ kể từ khi quá trình hồi sức được bắt đầu, chúng tôi vẫn thấy một số điểm tín hiệu não tăng vọt, tương tự như não bộ người bình thường khi đang nói chuyện hoặc tập trung cao độ”.
Những điểm tăng vọt này bao gồm các sóng gamma, delta, theta, alpha và beta.
Không may thay, chỉ có 53 trong số 567 bệnh nhân được hồi sức thành công. Trong đó, 28 người được phỏng vấn về những chi tiết mà họ nhớ lại được từ trải nghiệm. Chỉ có 11 bệnh nhân trong đó cho biết đã có nhận thức trong quá trình CPR và chỉ có 6 bệnh nhân báo cáo về trải nghiệm cận tử.
Tuy nhiên, những trải nghiệm đó được phân loại cùng với phát biểu từ 126 người sống sót qua đột quỵ khác không nằm trong nghiên cứu và ông Parnia cho biết: “Chúng tôi đã có thể cho thấy rõ rằng những trải nghiệm cận tử được kể lại - bao gồm cảm giác bị tách khỏi cơ thể, nhìn lại cuộc đời, tới một địa điểm cảm giác giống như quê nhà và nhận ra cần phải trở lại - là yếu tố nhất quán trong tất cả những người sống sót trên toàn thế giới”.
Bên cạnh đó, bài nghiên cứu cũng đã ghi lại tín hiệu não và so sánh chúng với tín hiệu não từ những bài nghiên cứu khác về ảo giác, ảo tưởng và đã phát hiện chúng khác nhau rất nhiều.
“Chúng tôi đã có thể kết luận, những trải nghiệm cận tử được nhớ lại là có thật. Chúng xảy ra cùng lúc khi họ chết, và chúng tôi đã phát hiện một số hóa chất trong não có liên quan. Những tín hiệu sóng não này không phải là trò lừa của một bộ não đang chết, trái với những điều nhiều nhà phê bình đã khẳng định”.
Yếu tố ý thức trong bài nghiên cứu
Một số chuyên gia trong ngành không được thuyết phục bởi kết luận của bài nghiên cứu, sau khi bài nghiên cứu được đưa ra trong một cuộc họp khoa học vào tháng 11 năm 2022 và được đưa tin bởi các kênh truyền thông.
Ông Bruce Greyson, giáo sư và cựu giảng viên về Khoa học Tâm thần và Hành vi Thần kinh tại Trường Y thuộc Đại học Virginia tại Charlottesville cho biết: “Những báo cáo về phát hiện sóng não sau khi tim ngừng đập đã bị thổi phồng bởi báo đài. Trên thực tế, nhóm nghiên cứu của ông đã không thấy bất kỳ liên kết nào giữa những sóng não này và các hoạt động có ý thức”.
“Những bệnh nhân có trải nghiệm cận tử đã không có những sóng não này và những người có sóng não này đã không có trải nghiệm cận tử”.
Ông Greyson là tác giả của cuốn “Sổ tay Trải nghiệm cận tử: Ba mươi năm Nghiên cứu”. Ông và bác sĩ tim mạch Pim van Lommel, một nhà nghiên cứu người Hà Lan và tác giả về các trải nghiệm cận tử, đã gửi bình luận tới tờ báo khoa học để được đăng tải cùng bài nghiên cứu. Họ đã chỉ ra “2 trong số 28 đối tượng được phỏng vấn có dữ liệu điện não đồ, nhưng không nằm trong nhóm những người có thể kể rõ về trải nghiệm”.
“Tất cả những gì bài nghiên cứu đó cho thấy, ở một số bệnh nhân, não họ có tín hiệu điện liên tục xuất hiện trong cùng thời điểm mà các bệnh nhân khác khẳng định có trải nghiệm cận tử”.
Ông Parnia cho biết, khẳng định bài nghiên cứu đã không thể khớp được tín hiệu não với trải nghiệm cận tử trên cùng một bệnh nhân bất kỳ là chính xác.
“Số lượng mẫu nghiên cứu của chúng tôi không đủ lớn. Phần lớn các bệnh nhân đã không qua khỏi và chúng tôi không có hàng trăm người sống sót để phỏng vấn. Đó là thực tế. Trong số những người sống sót và có điện não đồ có thể đọc được, có 40% trong số đó đã có tín hiệu cho thấy não của họ từ không có hoạt động nào bắt đầu có lại dấu hiệu có ý thức”.
Bên cạnh đó, ông Parnia cho biết thêm, những người qua khỏi thường có trí nhớ không đầy đủ hoặc quên mất trải nghiệm này do các biện pháp an thần trong bộ phận chăm sóc đặc biệt.
“Không có ghi chép lại về ý thức không có nghĩa là họ không có ý thức. Nhìn chung điều chúng tôi muốn nói là ‘Đây là lĩnh vực hoàn toàn mới. Chúng ta đang bước vào vùng lãnh thổ chưa từng được khám phá’. Và yếu tố quan trọng nhất là chúng không phải ảo giác. Đây là những trải nghiệm có thật trong khi bệnh nhân đang chết”, ông Parnia cho biết.