Đam mê máy tính từ nhỏ, vào năm 1997, Andrew Michael nhìn thấy một cơ hội khi muốn lập trang web cho bạn. Chàng trai 17 tuổi khi đó nhận ra là những công ty cung cấp dịch vụ lưu trữ trang web đều không để ý đến người dùng cá nhân hay doanh nghiệp nhỏ. Anh chàng quyết định khởi nghiệp, nhưng không có tiền.
Lấy trộm tiền của mẹ để mở công ty
“Tất cả những công ty hosting lúc đó ở Anh đều hướng tới các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên chúng tôi nhận thấy là các doanh nghiệp nhỏ và cả cá nhân cũng muốn có một dịch vụ đơn giản, có thể tự phục vụ”, Andrew kể lại với BBC.
“Lúc đó chúng tôi có thứ mình cần là máy tính ở nhà của mẹ tôi, và chúng tôi có thể tự làm phần mềm. Tuy nhiên chúng tôi không có kết nối Internet tốc độ cao, thời điểm đó còn phải đào đường mới lắp đặt được, và cần tới 30.000 bảng. Chúng tôi không có tiền”.
|
Andrew Michael, 39 tuổi, trở thành triệu phú nhờ khởi nghiệp với những công ty công nghệ. Ảnh: Pinpep. |
Cuối cùng thì Andrew cũng tìm được nguồn tiền để đầu tư: chiếc thẻ tín dụng của mẹ anh. Anh quẹt thẻ để thanh toán chi phí lắp đặt đường mạng cùng với tiền quảng cáo trên tạp chí, và mong rằng mình sẽ kiếm đủ tiền trong tháng đầu tiên để trả khoản nợ.
“Đến cuối tháng đó, chúng tôi đã kiếm đủ khách hàng và đủ tiền để trả khoản tiền lắp đặt mạng, quảng cáo”.
Mặc dù người bạn cùng mở công ty với Andrew sau đó đã bỏ đi để học đại học, anh chàng tiếp tục phát triển công ty mình mới mở có tên Fasthosts. 9 năm sau, công ty này được bán với giá 61,5 triệu bảng Anh, và Andrew bỏ túi 46 triệu bảng khi mới 26 tuổi.
Nhận khoản tiền lớn và đối diện với thất bại
Trở thành triệu phú khi còn rất trẻ, nhưng tiền không khiến Andrew hạnh phúc, mà trái lại còn khiến anh lạc đường mất 2 năm.
“Tôi vẫn ngồi ở văn phòng khi khoản tiền được chuyển vào tài khoản, và tôi tưởng rằng mình sẽ rất hạnh phúc. Nhưng rồi tôi lạc lối, khi tôi đi ra khỏi văn phòng và nhận ra rằng tất cả đã bị bán đi, và giờ chúng chỉ còn là một con số trên bảng tính”.
|
Không chỉ nổi tiếng nhờ tài năng, Andrew Michael còn được biết tới với những thú vui tốn kém. Ảnh: Grant Triplow. |
Andrew thừa nhận anh đã trở nên chán nản và uống quá nhiều rượu trong một thời gian. Anh từng bỏ 50.000 bảng Anh để mời ngôi sao Usher tới hát tại tiệc sinh nhật của bạn gái. Trước khi bán Fasthosts, Andrew cũng thường xuyên tổ chức những bữa tiệc hoành tráng tại công ty mình, với sự góp mặt của những ngôi sao của Anh như Girls Aloud, The Sugababes, The Darkness.
Phải tới 2 năm sau, anh mới trở lại với một công ty mới có tên Livedrive, cung cấp dịch vụ lưu trữ đám mây.
Livedrive khó khăn trong thời gian đầu bởi có quá nhiều đối thủ cạnh tranh. Đây cũng là lần đầu tiên Andrew đối mặt với thất bại.
"Lúc đó tôi mới nhận ra là có quá nhiều người trùng ý tưởng với mình, nên chỉ quảng cáo không là chưa đủ. Đấy là lần đầu tiên tôi có cảm giác mình sắp thất bại, và tôi thực sự lo ngại mình sẽ chỉ có một thành công duy nhất trong đời”.
Cuối cùng thì Andrew cũng tìm được hướng đi đúng đắn cho Livedrive khi anh tích hợp dịch vụ này với các laptop, tablet bán ra tại một chuỗi bán lẻ. Chiến lược này rất thành công, và sau cùng Andrew cho rằng Livedrive còn “thành công hơn cả Fasthosts”. Dịch vụ này được bán lại vào năm 2014, với mức giá được cho là lên tới hàng chục triệu bảng Anh.
“Fashhost là một ví dụ điển hành cho những đột phá công nghệ được tạo ra từ phòng ngủ tại Vương quốc Anh những năm 80, 90”, nhà phân tích công nghệ Chris Green nhận định.
“Dịch vụ này không chỉ là một thành công chớp nhoáng với doanh nhân 17 tuổi Andrew Michael, mà nó còn giúp đơn giản hóa thủ tục đăng ký tên miền và lưu trữ trang web cho rất nhiều người.
Trong khi đó, Livedrive cũng là một dịch vụ đi đầu về lưu trữ đám mây và sao lưu cho người dùng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ”, ông Green nhận xét.
Sau Livedrive, Andrew Michael tiếp tục khởi nghiệp lần thứ 3 với Bark, một dịch vụ cho phép đặt lịch hẹn với chuyên gia trong ngành nghề bất kỳ, từ thợ sửa ống nước tới huấn luyện viên thể thao.
Nhìn lại hành trình khởi nghiệp của mình, anh nhận xét mình được thừa hưởng khao khát và sự tập trung từ cha, một doanh nhân gốc Cyprus.
“Tôi là người mà càng làm được nhiều lại càng muốn nhiều hơn. Dù hai công ty đầu tiên của tôi khá ổn, tôi cũng không tự coi mình là người rất thành công”, Andrew Michael chia sẻ.