Trước đó, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra khoảng 70 giếng nước cổ ở Bavaria. Tuy nhiên, không cái nào trong số đó có chứa đầy "kho báu" như giếng gỗ mới được tìm thấy.
Đối với các nền văn minh cổ đại, nước được coi là nguồn chính để duy trì mọi sự sống, đặc biệt là sự bền vững trong nông nghiệp. Đây cũng là lý do tại sao những nguồn nước tự nhiên thường được nghi lễ hoá. Thời xa xưa, giếng nước thường là nơi mà người dân thường xuyên đến. Điều này khiến chúng trở thành trung tâm và là nơi để mọi người gặp gỡ.
Người xưa cũng có thể thả trang sức hoặc đồ gốm xuống giếng để làm lễ vật, tương tự như cách người hiện đại ngày nay ném tiền xu vào trong giếng nước để cầu may.
Theo các nhà khảo cổ, giếng nước lót gỗ mới được tìm thấy có niên đại hơn 3.000 năm và độ sâu khoảng 5 m. Con số này cho thấy giếng nước này sâu hơn nhiều so với các giếng khác cùng loại. Nhóm nghiên cứu còn phát hiện ra rằng đáy giếng được bảo tồn gần như nguyên vẹn và có chứa một bộ sưu tập các trầm tích nghi lễ từ khoảng 3.000 năm trước trong thời đại đồ đồng.
Tiến sĩ Jochen Haberstroh, nhà khảo cổ tại Văn phòng Bảo tồn Di tích bang Bavaria (BLFD), cho biết: "Rất hiếm khi có một cái giếng tồn tại hơn 3.000 năm mà vẫn còn tốt như vậy. Thành gỗ cũng được bảo quản nguyên vẹn và ở dưới đáy giếng vẫn còn hơi ẩm vì nước ngầm".
Điều này cũng giải thích vì sao những cổ vật, đồ tạo tác được làm từ vật liệu hữu cơ ở dưới giếng vẫn ở trong tình trạng tốt. Chúng đang được các nhà nghiên cứu kiểm tra kỹ lưỡng hơn. Các chuyên gia hy vọng rằng phát hiện mới sẽ cung cấp thêm thông tin về cuộc sống thường nhật của những cư dân thời đó.
Ngoài ra, ở dưới giếng, nhóm các nhà khảo cổ cũng tìm thấy 26 chiếc ghim quần áo bằng đồng, một cái vòng tay, hai vòng xoắn ốc bằng kim loại, một chiếc răng động vật, chuỗi hạt hổ phách và hơn 70 chiếc bình gốm. Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, các hiện vật này khiến cho giếng gỗ này trở nên đặc biệt hơn so với các giếng khác tại khu vực khai quật.
Theo nhận định của các chuyên gia, những món đồ đắt tiền trên thường được phát hiện ở trong các ngôi mộ thời đại đồ đồng giữa, không phải là đồ dùng hàng ngày. Tình trạng nguyên vẹn khi được phát hiện dưới đáy giếng cho thấy các đồ vật này được hạ xuống nước một cách cẩn thận, thay vì bị thả hoặc ném vào.
Chuyên gia Mathias Pfeil tại BLFD, nhận định rằng: "Chúng ta không thể giải thích chính xác về nguyên nhân nào khiến những cư dân thời xưa dâng tặng đồ trang sức và những món quà có giá trị khác cách đây 3.000 năm trước. Nhưng có khả năng chúng được dùng làm vật hiến tế để giúp mang lại một vụ mùa bội thu".
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, những đặc điểm khác thường của giếng gỗ cũng cung cấp một số thông tin.
Theo nhà khảo cổ học Marcus Guckenbiehl tại Germering: "Độ sâu của giếng cho thấy nó được sử dụng vào thời điểm mà mực nước ngầm giảm đáng kể. Điều này cho thấy hạn hán kéo dài và sản lượng thu hoạch kém. Đây cũng có thể là nguyên nhân vì sao các cư dân sống ở đây vào thời điểm đó lại hy sinh một phần tài sản của họ dưới giếng để dâng lên cho các vị thần".
Giếng nước lâu đời nhất trên thế giới
Trước đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra một giếng nước có niên đại tới 7.000 năm tại Cộng hoà Séc vào tháng 2/2020. Đây được coi là chiếc giếng cổ nhất ở trên thế giới.
Theo đó, cái giếng này được tìm thấy trong quá trình đường cao tốc D35 ở gần thị trấn Ostrov, huyện Karlovy Vary, vùng Karlovarský, Cộng hòa Séc.
Sau khi tiến hành phân tích về vòng sinh trưởng của các khối gỗ ở bao quanh giếng, các nhà khảo cổ cho biết, giếng cổ được xây băng gỗ sồi có niên đại vào khoảng năm 5.256 TCN.
Theo các chuyên gia, giếng cổ có chiều dài là 140 cm, diện tích 80 cm2. Thiết kế của giếng gỗ cho thấy, chỉ bằng các dụng cụ làm từ đá, xương, gỗ hoặc sừng, những cư dân thời cổ đại đã biết cách đục rãnh tại các cột trụ nhằm xếp ván gỗ chèn lên nhau. Điều này khiến các nhà khảo cổ khá bất ngờ bởi kỹ thuật xây dựng tiên tiến của người xưa khi biết cách xử lý bề mặt của các thân cây một cách chính xác chỉ bằng những công cụ thô sơ.
Nhà nghiên cứu Karol Bayer tại ĐH Pardibice, Cộng hòa Séc, cho biết, giếng cổ này vẫn còn được bảo tồn nguyên vẹn vì đã ngâm dưới nước trong nhiều thế kỷ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng phát triển một quy trình để làm khô và bảo tồn giếng cổ mà không bị biến dạng hay phá huỷ cấu trúc, bằng cách sử dụng đường để giúp củng cố cấu trúc gỗ.