Tìm được “siêu quái vật” sống sót xuyên đại tuyệt chủng khủng long

Google News

Đại tuyệt chủng hàng loạt giết chết 75% sinh vật trên Trái Đất bao gồm toàn bộ loài khủng long, tuy nhiên, một sinh vật kỳ dị vẫn tồn tại thêm 1.500-2.500 năm nữa.

Siêu quái vật Atractosteus grandei không thuộc dòng họ khủng long nhưng có vẻ ngoài khá giống một sản phẩm pha trộn giữa các thương long, ngư long và cá sấu.

Theo Sci-News, nó là một con cá Gars, tức "cá vây tia". Cá Gars là một nhóm cá nguyên thủy trong họ Lepisosteidae. Có 7 loài Gars thuộc 2 chi: Atractosteus và Lepisosteus, xuất hiện lần đầu trong kỷ Jura muộn, khoảng 150 triệu năm trước.

Chúng có thân hình mảnh mai như một quả ngư lôi, vảy láng, mõm dài và nhiều răng. Chúng chủ yếu là cá nước ngọt, mặc dù một số đã được biết là bơi vào các khu vực nước mặn gần bờ biển.

Nhà cổ sinh vật học Chase Doran Brownstein từ Đại học Yale và cộng sự Tyler Lyson từ Bảo tàng Tự nhiên và khoa học Denver (Mỹ) đã phân tích hóa thạch của loài cá cổ đại này, được tìm thấy ở phần thấp nhất của Hệ tầng Fort Union ở Quận Bowman, Bắc Dakota.

Tim duoc “sieu quai vat” song sot xuyen dai tuyet chung khung long

Hộp sọ (a) và một phần bộ xương (b) của Atractosteus grandei ở mặt lưng. Ảnh: Chase Doran Brownstein & Tyler R. Lyson

Mẫu vật đã 66 triệu năm tuổi, là mốc thời gian cận kề với đại tuyệt chủng khủng long gây nên bởi sự va chạm của tiểu hành tinh Chicxulub, nhưng tồn tại lâu hơn đến tận 1.500-2.500 năm. Điều này có nghĩa siêu quái vật này đã sống sót qua thảm họa.

"Mẫu vật được bảo quản trong một khối đá bùn có màu nâu nhạt, rất dễ vỡ, phủ trên lớp than non dày 8 cm, một môi trường lắng đọng nước", Tiến sĩ Brownstein giải thích. Mẫu vật bao gồm một hộp sọ có khớp nối và ở đúng vị trí hàm dưới, cũng như một loạt các đốt sống, xương sườn, vảy....

Việc phát hiện ra Atractosteus grandei cho thấy các hệ sinh thái nước ngọt lành mạnh đã tồn tại mạnh mẽ ở Bắc Mỹ trong vòng hàng nghìn năm sau vụ va chạm của tiểu hành tinh Chicxulub.

Các nhà cổ sinh vật học phân tích: “Sự tuyệt chủng hàng loạt cuối kỷ Phấn trắng là nguyên nhân gây ra sự phá hủy các hệ sinh thái toàn cầu và làm mất đi khoảng 3/4 sự đa dạng loài cách đây 66 triệu năm”.

“Các động vật có xương sống trên cạn thân lớn phải chịu tỉ lệ tuyệt chủng cao, trong khi các động vật có xương sống thân nhỏ sống trong các hệ sinh thái nước ngọt được bảo vệ khỏi những tác động tồi tệ nhất”.

“Sự hiện diện của loài sinh vật đại thực vật nước ngọt này khoảng 1.500-2.500 năm sau tác động của tiểu hành tinh cho thấy sự phục hồi và tập hợp lại nhanh chóng của mạng lưới thức ăn nước ngọt và hệ sinh thái Bắc Mỹ sau cuộc đại tuyệt chủng hàng loạt.”

Sinh vật trong mẫu hóa thạch hiện đã tuyệt chủng, nhưng các loài con cháu của nó vẫn tồn tại cho đến ngày nay, các nhà nghiên cứu cho biết thêm.

 

Theo Minh Hoa/Người đưa tin

>> xem thêm

Bình luận(0)