5 nhóm nghiên cứu đến từ 6 quốc gia đã hợp sức để giải quyết bí ẩn về loài dực long (pterosaur), trong một công trình đột phá vừa công bố trên tạp chí khoa học Nature.
Kỹ thuật hiện đại micro CT đã giúp họ kiểm tra lại nhiều hộp sọ và bộ xương hóa thạch của một nhóm khủng long bí ẩn từng được khai quật ở Bắc Mỹ, Brazil, Argentina và Madagascar trong nhiều thập kỷ trước. Chúng mang tên "lagerpetids", một sinh vật không có cánh, sinh sống trên địa cầu từ 237-210 triệu năm trước, nhưng mang những đặc điểm cho thấy chúng đang dần biến đổi để phù hợp hơn với bầu trời.
|
Hài cốt hóa thạch 235 triệu tuổi của "quái thú" đang biến hình - Ảnh: VIRGINIA TECH |
Hiện vật nguyên vẹn và đáng chú ý nhất là hóa thạch loài Dromomeron gregorii, một loài lagerpetids được khai quật tại Texas vào giữa thập niên 30 của thế kỷ trước. Hóa thạch 235 triệu tuổi này bao gồm hộp sọ, bên trong có bộ não được bảo quản tốt. Chính máy CT hiện đại đã giải mã được bọ não này, cho thấy chúng là một động vật có khả năng cân bằng tốt, hệ thống cảm giác tinh nhạy và cực kỳ nhanh nhẹn, thứ mà chúng đã truyền lại cho thế hệ con cháu để có thể làm bá chủ bầu trời.
|
Chân dung Dromomeron gregorii - Ảnh: DONNA BRAGINETZ |
Bộ não này cũng cho thấy những chi tiết đang dần tiến hóa về mặt thần kinh để chuẩn bị cho cuộc sống bay lượn. Thực sự có thể nói, "quái thú" này chính là sinh vật đang "biến hình" dở dang từ khủng long đi trên mặt đất đến "khủng long bay". Dực long hay còn gọi là "thằn lằn có cánh" dù bay như chim nhưng không hề là chim, vẫn là bò sát 100%.
Theo tiến sĩ Martin D. Ezcurra từ Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Argentina, tác giả chính của nghiên cứu, đây là một ví dụ về cashc mà khoa học hiện đại có thể làm sáng tỏ những bí mật "ám ảnh" các nhà khoa học qua nhiều thế hệ. Nguồn gốc của dực long đã được giới cổ sinh vật học truy tìm suốt 200 năm, bởi cho dù nhiều dực long được tìm thấy và có nhiều bằng chứng về nguồn gốc khủng long của chúng, nhưng sinh vật chuyển tiếp giữa 2 loài vẫn vắng bóng trong hồ sơ khảo cổ.