Theo Daily Mail, tiểu hành tinh 2015 BN509 tiến sát đến Trái đất vào ngày 6.2, với tốc độ 70.500 km/giờ. Ở vị trí gần nhất, khoảng cách giữa tiểu hành tinh này và Trái đất tương đương 14 lần từ Trái đất đến Mặt trăng.
|
Mô phỏng cảnh thiên thạch đâm vào Trái đất. |
Tiểu hành tinh có chiều rộng khoảng 200 mét chiều rộng và chiều dài khoảng 400 mét. Sân bóng đá tiêu chuẩn có dài 105 mét và rộng 68 mét. TIểu hành tinh cũng lớn hơn tòa nhà chọc trời Empire State, ở thành phố New York, Mỹ với chiều cao 381 mét.
NASA nhấn mạnh, 2015 BN509 là “mối nguy hiểm tiềm ẩn”. Tiểu hành tinh này có quỹ đạo di chuyển khó lường, có thể va chạm với Trái đất trong tương lai.
Tiểu hành tinh quan sát được ở cự ly gần nhất bởi kính viễn vọng mang tên Đài quan sát Arecibo, đặt tại Puerto Rico.
Tiến sĩ Ed Rivera-Valentin đến từ Hiệp hội Các trường Đại học Nghiên cứu không gian cho biết, việc nghiên cứu quỹ đạo của các tiểu hành tinh như 2015 BN509 có thể giúp các nhà khoa học biết thêm được nhiều hơn về những vật thể không gian có thể va chạm với Trái đất.
|
Kính viễn vọng mang tên Đài quan sát Arecibo, đặt tại Puerto Rico. |
“Đài quan sát Arecibo vượt xa khả năng của một ‘thầy bói’, chúng ta còn có thể mô tả chi tiết các vật thể bay trong không gian”, Tiến sĩ Rivera-Valentin cho biết. “Chúng ta có thể nghiên cứu kích cỡ, hình dáng, trạng thái xoay khi di chuyển, thành phần và bề mặt địa chất”.
Một vụ va chạm thiên thạch vào Trái đất hoàn toàn có thể tránh được, không giống như các thảm họa thiên nhiên khác. “Các dữ liệu từ Arecibo có thể được sử dụng bởi NASA để thực hiện sứ mệnh bảo vệ hành tinh”, Tiến sĩ Rivera-Valentin nói thêm.
Năm ngoái, NASA đã thiết lập một cơ quan bảo vệ giải quyết mối đe dọa liên quan đến đối tượng bay gần Trái đất. Mỗi năm có khoảng 1.500 vật thể bay gần trái đất và NASA đã xác định được hơn 90% những vật thể có chiều dài lớn hơn 1km.
NASA đang đề xuất việc xây dựng một kính viễn vọng không gian tia hồng ngoại với tên gọi NEOCam, giúp xác định thêm nhiều vật thể bay gần trái đất hơn.
NEOCam sẽ được phóng lên quỹ đạo để khảo sát các vùng không gian gần nhất với quỹ đạo Trái đất. Kính viễn vọng này sau đó sẽ sử dụng ánh sáng hồng ngoại để mô tả tính chất vật lý và kích thước của các vật thể, từ đó dự đoán khả năng va chạm.