Thạc sĩ Nguyễn Cao Luân, Nghiên cứu sinh ngành Liệu pháp miễn dịch Ung thư, Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Lowy, Đại học New South Wates, Sydney, Australia, Trưởng ban Khoa học Ruy Băng Tím, tư vấn:
Theo sách "Ung thư - Tin đồn và sự thật", trang 42,43, sóng điện thoại, wifi đều là sóng điện từ tần số radio. Về lý thuyết, một loại sóng điện từ muốn có khả năng gây ung thư thì năng lượng cần đủ mạnh để phá hoại DNA của tế bào.
Để có khả năng gây ung thư, chúng phải có tần số rất lớn như tia cực tím trở lên. Sóng điện thoại hay wifi có tần số rất nhỏ so với tia cực tím. Vì vậy, về lý thuyết chúng không thể gây ung thư.
Tuy nhiên, do sự phổ biến của chúng, các nhà khoa học vẫn theo dõi sát sao vấn đề sức khỏe loại sóng này có thể sinh ra, trong đó bao gồm cả khả năng gây ung thư.
Nhiều nghiên cứu quy mô lớn được thực hiện để xem xét vấn đề này, kết quả đều đồng thuận không có mối liên hệ rõ rệt giữa ung thư với việc sử dụng điện thoại (bao gồm ung thư não).
Lời khuyên khi sử dụng điện thoại:
- Bạn nên sử dụng chức năng loa ngoài hoặc tai nghe có mic để đàm thoại trong thời gian dài.
- Trẻ nhỏ cần hạn chế sử dụng điện thoại di động, các thiết bị có thu phát sóng điện từ (máy tính bảng).
- Trẻ em dưới 16 tuổi chỉ sử dụng điện thoại di động cho các cuộc gọi cần thiết.
- Bạn nên chọn điện thoại có tỷ lệ hấp thụ riêng (SAR - Specific Absorption Rate) thấp.
- Hãy chú ý tư thế ngồi khi sử dụng điện thoại di động, máy tính bảng để tránh các bệnh liên quan đến cột sống.