Theo tờ Space, đại diện của công ty vũ trụ tư nhân iSpace (Tokyo - Nhật Bản) vừa công bố nguyên nhân khá bất ngờ về việc tàu Hakuto-R gặp sự cố và lao thẳng xuống Mặt Trăng.
Đại diện công ty cho biết trong nỗ lực hạ cánh, con tàu đã gặp một đặc điểm địa hình ngoài dự kiến và khiến máy tính đưa ra quyết định sai.
Tàu Hakuto-R trong "hình ảnh mơ ước" khi hạ cánh thành công trên Mặt Trăng - Ảnh: iSpace
"Vật thể lạ" đó chính là một hố va chạm ở vị trí dự định hạ cánh. Rìa của hố này đã khiến các phép đo độ cao của con tàu bị lầm lẫn: Nó tưởng mình đã ở ngay sát bề mặt Mặt Trăng khi còn ở độ cao tận 5 km.
NASA đã tìm ra "mộ phần" tàu vũ trụ Nhật Bản mất tích
"Lỗ đen" giữa Trái Đất: Tàu vũ trụ Nhật tung ảnh độc trước khi gặp nạn
Nhật Bản mất tàu vũ trụ, có thể đã đâm thẳng vào Mặt Trăng
Vì lầm lẫn đó, con tàu quyết định kích hoạt quy trình hạ cánh sớm hơn dự kiến bằng việc mở động cơ đẩy từng giúp nó rời Trái Đất. Trong quá trình hạ cánh, động cơ đẩy sẽ tạo lực tác động lên bề mặt Mặt Trăng từ đó kìm hãm tốc độ hạ cánh, giúp con tàu từ từ đặt "chân" xuống bề mặt.
Tuy nhiên vì động cơ đẩy được kích hoạt quá sớm khi con tàu còn ở trên cao, nó đã hết nhiên liệu giữa chừng. Hakuto-R từ đó rơi tự do xuống bề mặt Mặt Trăng.
Trước đó, các hình ảnh từ một tàu quỹ đạo của NASA tham gia tìm kiếm Hakuto-R cũng cho thấy con tàu dường như chỉ còn là những mảnh vỡ rải rác gần khu vực hạ cánh dự định - Atlas Crater rộng 87 km ở vùng "Biển Lạnh" Mare Frigoris của Mặt Trăng.
Đại diện của iSpace cho rằng phát hiện này chỉ ra lỗ hổng trong sứ mệnh, đó là họ đã chưa thực sự tìm hiểu đầy đủ địa hình nơi dự định hạ cánh, điều góp phần gây ra thất bại. Địa điểm hạ cánh này được thay đổi chỉ vài tháng trước khi Hakuto-R cất cánh.