Tấm giấy cói, theo các nhà khoa học có niên đại ít nhất 1300 năm ở Ai Cập mô tả hình ảnh của 2 sinh vật có cánh đang chu mỏ về phía nhau.
"Đặc điểm này của bức ảnh có nhiều ý nghĩa", tiến sỹ Korshi Dosoo Đại học Julius Maximilian của Đức cho biết.
|
Tấm giấy cói được cho là bùa yêu của người Ai Cập cổ đại. (Ảnh: Live Science) |
Ông Dosoo suy đoán rằng khác biệt nhỏ ở phần đầu giữa 2 sinh vật có thể là để xác định giới tính của chúng với con đực ở bên trái và con cái ở bên phải. Hai sinh vật này được bao bọc trong một đôi cánh dang rộng. Xung quanh đó là loạt ký tự được viết bằng tiếng Copt, một ngôn ngữ thuộc nhánh phía bắc của ngữ hệ Phi-Á, nó được sử dụng ở Ai Cập cho đến ít nhất là thế kỷ XVII.
Theo ông Dosoo, tấm giấy cói có thể nằm trong sổ tay của một thầy phù thủy. Mặc dù những dòng chữ còn sót lại trong tấm giấy khá rời rạc, không liên kết, vị tiến sỹ tới từ Đại học Julius Maximilian vẫn tin rằng tấm giấy cói này là lá bùa ma thuật được sử dụng trong các trường hợp yêu đơn phương nhưng không được đáp lại hoặc trong các tam giác tình yêu.
Tấm giấy cói trên là 1 trong 900 tấm giấy cói đang được lưu giữ tại Đại học Macquarie ở Australia. Tuy nhiên, đại diện của trường đại học cho biết họ không nắm rõ ai là người đã cung cấp hay tặng lại tấm giấy cói này.