Chỉ 10% chủ tài khoản đến cơ quan thuế
Khởi động chiến dịch thu thuế hoạt động kinh doanh qua Facebook là Cục thuế TP HCM, nhưng sau 2 tháng triển khai, kết quả thu được khá khiêm tốn.
Trao đổi với PV. VietNamNet, bà Lê Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho biết, sơ bộ từ báo cáo của 16/24 chi cục thuế tính đến ngày 19/7, trong số gần 13.500 tài khoản kinh doanh trên mạng xã hội, qua sàng lọc, chỉ có 910 tài khoản đã đăng ký thuế, đã có kê khai, nộp thuế, còòn 12.400 tài khoản chưa đăng ký thuế phải mời lên làm việc.
Tính đến nay, Cục đã gửi tin nhắn SMS thông báo cho 11.000 tài khoản, website; các chi cục thuế trên địa bàn đã gửi thư mời tới 5.300 địa chỉ cụ thể. Tuy nhiên, số các tổ chức cá nhân đến làm việc chỉ có 1.206 người, chiếm chưa đến 10% tổng số.
|
Kinh doanh qua mạng rất phổ biến nhưng nhiều tài khoản chưa đăng ký thuế (ảnh minh hoạ) |
Trong số này, cục thuế đã xác định có 643 tài khoản có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên sẽ phải nộp thuế, chiếm 5,1% với tổng số thuế kê khai trung bình là 362 triệu đồng/tháng.
Có thể thấy, bức tranh chung là số người đến làm việc theo thư mời rất ít, số thuế phải nộp đối với nhóm kinh doanh tự giác kê khai doanh thu trên 100 triệu đồng/tháng cũng rất nhỏ.
Ví dụ như tại quận Bình Thạnh, đối với các website thuộc doanh nghiệp, chi cục gửi thư mời cho 172 doanh nghiệp thì chỉ có 98 doanh nghiệp chịu đến chi cục thuế.
Khởi động muộn hơn TP.HCM, Cục thuế TP. Hà Nội lên danh sách 13.422 tài khoản. Qua 1 tháng xác minh, đã loại ra 1.950 tài khoản, website đã có mã số thuế, kê khai nộp thuế.
Sau 2 lần gửi thông báo và tin nhắn, hiện đã có hơn 1.000 chủ tài khoản phản hồi tới Cục thuế và có 50% trong số này đã đến cơ quan thuế làm việc để đăng ký và kê khai thuế.
Đối với các tài khoản mạng Facebook, chi cục gửi thư cho 677 tài khoản thì chỉ có 18 người đến làm việc và có tới 80% không đến theo thư mời.
Số các tài khoản facebook kê khai có doanh thu trên 100 triệu đồng/tháng rất ít với số thuế nộp không đáng kể. Ví dụ, quận Bình Thạnh mới có 62 cá nhân kinh doanh thuộc diện phải nộp thuế.
Trong đó, 52 cá nhân đã tự giác kê khai nộp thuế từ trước khi có chiến dịch này, chỉ có tổng thuế tổng thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đạt hơn 16 triệu đồng/tháng, tương ứng mỗi người kinh doanh chỉ đóng góp hơn 308 ngàn đồng/tháng tiền thuế.
10 cá nhân sau khi nhận thư mời đến làm việc, được tuyên truyền vận động thì kê khai tổng số thuế phải nộp có 1,85 triệu đồng/tháng, tức mỗi người tự kê khai nộp khoảng 185 ngàn đồng/tháng.
Cần bắt buộc thanh toán qua thẻ
Chia sẻ với PV.VietNamNet, bà Lê Thị Thu Hương nói: "Kết quả ban đầu còn thấp, nhưng có chuyển biến - đó cũng là một tín hiệu tích cực. Ngoài những tài khoản chưa đến làm việc, một số cá nhân kinh doanh qua Zalo, Youtube, tuy không nhận được thư mời nhưng cũng chủ động tới cơ quan thuế để tìm hiểu".
|
Bà Lê Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM (ảnh: Phạm Huyền) |
"Tuy nhiên, một mình cơ quan thuế sẽ không thể làm hết việc này nếu chúng ta còn duy trì thanh toán phổ biến bằng tiền mặt, trong khi các cá nhân có tâm lý né thuế, không kê khai trung thực", bà Hương nhận xét.
Lãnh đạo Cục thuế TP.HCM dẫn chứng: "Vừa qua ở Quận 6, chúng tôi phát hiện 3 doanh nghiệp kê khai doanh thu có 3,5 tỷ đồng. Nhưng sau đó, qua xác minh từ bưu điện, doanh số thật lên tới 165 tỷ đồng, gấp 47 lần. Sau đó, 3 doanh nghiệp này đã bị truy thu và phạt hơn 10 tỷ đồng tiền thuế". Đây không phải là các DN bán hàng qua Facebook nhưng có thể xem là điển hình cho việc kê khai không trung thực của DN.
Theo bà Hương, rất nhiều trường hợp doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh nhìn bên ngoài thì thấy khả năng lợi nhuận rất lớn, nhưng khi cơ quan thuế vào kiểm tra sổ sách thì luôn báo cáo là lỗ, kê khai kiểu đối phó.
Phân tích từ quá trình vận động hơn 1.100 chủ tài khoản kê khai thuế, chi cục thuế quận Bình Thạnh cũng đánh giá, tính tự giác kê khai của người nộp thuế còn thấp với nhiều mánh khoé để giấu doanh thu thật.
Nhiều chủ tài khoản thuê dịch vụ này qua Grab hoặc các lao động cá nhân giá rẻ, không qua công ty và thanh toán bằng tiền mặt. Có những tài khoản sau thời gian nhận thư mời của chi cục, đã giấu địa chỉ giao dịch, chỉ để lại số điện thoại, xoá các bình luận để cơ quan thuế không gọi được cho người mua hàng.
Theo báo cáo của Chi cục thuế quận Bình Thạnh, tâm lý chung của các chủ tài khoản là chờ đợi nghe ngóng động thái của cơ quan thuế rồi mới tính đến việc kê khai. Không ít trường hợp cho rằng, mình kinh doanh nhỏ lẻ, là việc làm thêm, vài năm trước lợi nhuận khá nhưng gần đây, đông cá nhân kinh doanh trên mạng nên cạnh tranh khốc liệt, dẫn tới doanh thu thấp nên không cần phải kê khai thuế.
Bà Lê Thị Thu Hương chia sẻ: "Mục tiêu của cơ quan thuế trước mắt chưa phải là con số thuế thu được là bao nhiêu, mà quan trọng hơn là qua đó, dần dần nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp về nghĩa vụ thuế. Chúng tôi xác định kết quả không thể đạt được ngay trong ngày một ngày hai mà phải tính bằng năm".
Tuy nhiên, theo bà Hương, với các tài khoản chây ì, sau khi đã vận động nhiều lần mà chủ kinh doanh không hợp tác thì cục thuế sẽ công khai danh sách này lên các phương tiện đại chúng để cảnh báo.
Về lâu dài, bà Hương kiến nghị: "Ngành ngân hàng cần quy định mọi hoạt động kinh doanh phải giao dịch thanh toán qua ngân hàng, qua thẻ, hạn chế giao dịch tiền mặt. Chỉ như vậy thì công tác quản lý thu thuế mới chặt chẽ hơn".