|
Naipham bị gấu khổng lồ tấn công, cắn xé. |
Cách đây ít ngày, một thanh niên tên Naipham từ Thái Lan đã bất ngờ bị gấu dữ tấn công và cắn xé trong chuồng. Người này đang chuẩn bị đưa bát cơm cho gấu thì nó đứng thẳng bằng hai chân và kéo anh xuống đất. Nạn nhân bị cắn xé liên tiếp và chỉ được giải cứu sau khi bạn bè của Naipham can thiệp.
Chuyện ngôi chùa nuôi thú dữ ở Thái Lan không phải là điều xa lạ. Đất nước này nổi tiếng về những ngôi chùa nuôi hàng chục con hổ dữ hoặc gấu đen như thú cưng. Tuy nhiên, sự thật đằng sau những ngôi chùa này khiến không ít người phải choáng váng.
|
Nhà sư nuôi hổ trong chùa ở Thái Lan. |
Một tác giả giấu tên từ trung tâm cứu hộ động vật Cody & Giselle đã có bài chia sẻ đáng chú ý về thực trạng nuôi thú dữ tại các cơ sở tâm linh như đền, chùa ở Thái Lan. Theo tác giả, nhiều du khách cảm thấy rất thích thú khi được chụp ảnh với những con thú hung dữ như hổ, gấu. Họ được phép xoa đầu, chụp ảnh cùng con vật và cảm nhận được sức mạnh của loài mãnh thú.
Tuy nhiên, tác giả bài viết nhấn mạnh rằng còn nhiều sự thật ẩn chứa đằng sau những ngôi chùa nuôi nhốt hổ, gấu ở Thái Lan mà ít người biết tới. Tổ chức CWI chuyên chăm sóc động vật hoang dã nói rằng tình trạng lạm dụng và ngược đãi hổ ở các ngôi chùa tại tỉnh Kanchanaburi, Thái Lan là khá phổ biến.
Tác giả bài viết đã tới ngôi chùa hổ Wat Pha Luang Ta Bua Yanasampanno để tận mắt chứng kiến địa điểm du lịch thu hút đông đảo du khách. Về cảm quan đầu tiên, tác giả nói rằng những con hổ trông bình thản chứ không toát ra sự dữ tợn của loài mãnh thú. Du khách nếu có nhu cầu sẽ trả thêm tiền và được chụp ảnh cùng chúng.
Hướng dẫn viên sẽ gọi con hổ dậy, cho du khách ngồi lên lưng hoặc đứng gần. Họ sẽ đập vào người con hổ cho tới khi du khách có được bức ảnh ưng ý nhất.
Một nhân viên vườn thú hướng dẫn du khách ôm, vuốt ve một con hổ và thậm chí là đổ nước lạnh vào mặt nó. Chúng được xích trên mặt đất và không thể đứng dậy. Tại một khu chuồng khác, các nhân viên sử dụng thịt sống để trêu chọc lũ hổ. Rất nhiều con hổ trong ngôi chùa này bị lở loét hoặc thương tật trên người.
Tác giả bài viết nói rằng những con hổ ở đây đã bị chặt hết móng vuốt và răng. Thậm chí, gân của hổ cũng bị cắt đứt để chúng không thể chạy với tốc độ kinh hoàng như trước. Những ngôi đền nuôi hổ hay gấu khẳng định chỉ hoạt động vì mục đích bảo tồn các loài động vật hoang dã. Tuy nhiên, tác giả khẳng định hầu hết những con hổ non ra đời đều thiệt mạng hoặc bị bán sang Trung Quốc.