Là một môn thể thao mạo hiểm đang dần phổ biến tại Việt Nam, dù lượn được nhiều người yêu thích bởi cảm giác mới lạ mà nó mang phải. Tuy nhiên, là môn thể thao mang nhiều yếu tố mạo hiểm, việc chơi dù lượn có an toàn hay không phụ thuộc chủ yếu vào thời tiết và bản thân người phi công điều khiển.
Tìm hiểu về thời tiết
Chất lượng gió và điều kiện thời tiết là yếu tố quan trọng, chi phối toàn bộ hoạt động bay dù lượn. Hầu hết vòm dù được thiết kế có tốc độ cao nhất là 40 km/h, nên nếu tốc độ gió đạt khoảng 30 km/h, bạn nên thu dù đợi đến ngày khác thời tiết thuận lợi hơn.
|
Cần đảm bảo các yếu tố an toàn khi chơi dù lượn |
Ở địa hình đồi núi, tốc độ gió còn ảnh hưởng đến độ an toàn hơn gấp nhiều lần, phi công vì thế cũng đối mặt với nhiều rủi ro hơn
Kiểm tra kỹ thiết bị trước khi cất cánh
Trước khi bay, phi công nên cùng huấn luyện viên hoặc những người có chuyên môn kiểm tra toàn bộ các thiết bị có liên quan để chắc chắn rằng những thiết bị ấy sẽ hỗ trợ tốt trong quá trình bay. Chỉ một chiếc quai mũ bảo hiểm bị lỏng, một dây dù bị sờn… đều có thể là nguyên nhân khiến người chơi gặp phải những tai nạn đáng tiếc.
Tuyệt đối nghe theo hướng dẫn của huấn luyện viên
Tại Việt Nam, yếu tố an toàn khi chơi dù lượn được đặt lên cao nhất. Mỗi địa điểm đều có những người hướng dẫn thông thuộc địa hình và chất lượng gió. Vì thế, dù là với những chuyến bay đôi hay tự bay, người chơi cũng phải tuyệt đối nghe theo chỉ dẫn của huấn luyện viên nên bay lúc nào, thời gian cất cánh và hạ cánh, hướng cất cánh…
|
Nắm vững các quy tắc an toàn khi chơi dù lượn |
Cần trao đổi với những người am hiểu tường tận địa hình ở đây, những người đã có kinh nghiệm bay trước đó để nắm rõ những mối nguy tiềm tàng và những gì cần phải để mắt tới
Rõ ràng, dứt khoát trong mọi quyết định
Nếu còn lăn tăn bất kỳ điều gì về sự an toàn, câu trả lời đưa ra luôn là “không”. “Có thể”, “có lẽ” và những từ ngữ tương tự hoàn toàn không có trong khái niệm dành cho phi công dù lượn.
Biết lượng sức mình
Nắm rõ điểm mạnh điểm yếu, lường trước những rủi ro có thể xảy ra với bản thân và biết tự lượng sức mình là vô cùng quan trọng. Thực tế, trình độ bay của mỗi người là khác nhau, vì thế phi công không nên cố gắng thực hiện các động tác phức tạp chỉ vì nhìn thấy người khác làm được một cách dễ dàng, trừ khi đã được huấn luyện thành thục và tự tin vào khả năng của mình.
Bảo quản và chăm sóc trang thiết bị
Dây dù cần được kiểm tra về tình trạng hao mòn, chùng hay giãn. Đối với vòm dù, thông thường khoảng sau 2 năm, phải đem vòm dù đi kiểm tra mức độ thẩm thấu khí của vải dù, đo độ sờn của các dây dù... Tuổi thọ của vòm dù phụ thuộc vào số giờ bay. Thông thường sau khoảng 250 - 300 giờ phơi nắng, vải dù sẽ nhũn và để không khí lọt qua nhiều hơn, nên khó cất cánh hơn và kém an toàn hơn. Sau thời gian này người chơi nên nghĩ đến việc thay dù mới cho an toàn.
Phi công người Nga gặp tai nạn khi chơi dù lượn
Box: Ngày 30/5 vừa qua, một phi công người Nga gặp tai nạn khi không hiểu địa hình, bay sai kĩ thuật tại Festival dù lượn “Bay trên mùa nước đỏ”. Được biết, Festival dù lượn “Bay trên mùa nước đổ” năm 2020 được tổ chức tại xã Cao Phạ (Mù Cang Chải) nhằm kích cầu, tăng cường quảng bá du lịch Yên Bái đến du khách, diễn ra vào các ngày thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, từ 30/5 – 15/7.