Lần đầu tiên, các nhà khoa học phát hiện khoảng 60.000 công trình của người Maya cổ đại dưới một hang sâu ở Guatemala nhờ công nghệ LIDAR - phương pháp khảo sát đo khoảng cách tới mục tiêu bằng cách chiếu sáng mục tiêu đó bằng tia laze và đo các xung phản xạ bằng cảm biến.
|
Người Maya thường hiến tế trên đỉnh của kim tự tháp. |
Phát hiện mới này được xem như "bản đồ kho báu". Nó bao gồm một kim tự tháp chưa từng được biết đến trước đây, nằm cô lập trên đỉnh núi bên ngoài thành phố Witzna, Guatemala. Ngoài ra, "bản đồ kho báu" này còn có 4 kim tự tháp và một hang động - được người Maya coi như cánh cổng tới thế giới ngầm.
"Những hang động và công trình này không có trên sách báo hay bản đồ. Chúng hoàn toàn tách biệt với thế giới văn minh nên để lại lỗ hổng kiến thức cực lớn", Leila Donn, nhà khoa học nghiên cứu hang động tại đại học Texas (Mỹ), chia sẻ.
Tiếp cận hố sâu khổng lồ, các nhà thám hiểm bắt đầu đi xuống bằng những lối hẹp, quanh co.
"Đây quả thật là một điều tuyệt vời. Tôi không thể tin rằng mình là một trong số những người đầu tiên vào hang động sau 1.000 năm", nhà khoa học Duncan Cook nói.
Bất ngờ, nhóm thám hiểm phát hiện xương người, một dấu hiệu cho thấy lịch sử đẫm máu của hang động này. Nghi lễ hiến tế của người Maya cổ đại có hai dạng phổ biến: Chém đầu và moi tim. Ngoài ra, một số hình thức khác bao gồm hành hạ cơ thể bằng mũi tên, ném xuống hố sâu, chôn sống...
Những nghi thức hiến tế này là một phần quan trọng mỗi khi người Maya hoàn thiện một công trình và nó xảy ra khá thường xuyên.
Thông thường, hiến tế kẻ thù là điều hiển nhiên nhưng các nhà thám hiểm lại phát hiện ra một nạn nhân bất ngờ hơn. Dưới chân một trong các kim tự tháp, nhóm thám hiểm tìm thấy hộp sọ của trẻ em, dường như bị chặt đầu. Họ xác định đây là trẻ con vì phần răng sữa được tìm thấy.
"Nhiều khả năng đứa trẻ bị chặt đầu vì chúng tôi chỉ tìm thấy phần hộp sọ tại đây mà không thấy các mảnh xương khác. Nạn nhân còn quá nhỏ. Dường như đây là vật tế thần của thế giới ngầm vì người Maya luôn dâng hiến những gì quý giá nhất của họ", nhà khảo cổ Katie Ahern tiết lộ.