Những tảng đá này được cho là bị nước làm biến đổi hình dạng. Do đó, các nhà khoa học tin rằng bề mặt hành tinh đỏ từng ngập nước.
Các mẫu đá mới phát hiện được một robot bảo quản và sẵn sàng vận chuyển về Trái Đất, theo Newsweek.
NASA đã cho tàu thám hiểm Perseverance hạ cánh ở miệng núi lửa Jezero để tìm hiểu về trầm tích sông và hồ cổ đại.
Miệng núi lửa rộng 28 dặm (45 km) nằm ở rìa phía tây của Isidis Planitia, một đồng bằng nằm ở phía bắc đường xích đạo Sao Hỏa. Nó cách vị trí hạ cánh của siêu xe thăm dò Curiosity, ở khu vực Gale Crater, khoảng 2.300 dặm (3.700 km).
|
Những tảng đá được tìm thấy trong miệng núi lửa Jezero trên Sao Hỏa. Ảnh: NASA.
|
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Science Advances với tiêu đề: "Đá magma bị nước biến đổi ở đáy của miệng núi lửa Jezero, Sao Hỏa". Nghiên cứu cho thấy việc phát hiện ra hai dạng đá đá magma khác nhau đã khiến các chuyên gia kinh ngạc.
Nghiên cứu cho biết thêm những tảng đá này có sunfat và peclorat trong lỗ rỗng, có thể được tạo ra bởi sự bốc hơi nước muối gần bề mặt sau đó.
Tài khoản chính thức của cơ quan điều hành tàu Perseverance Rover đã đăng tải hình ảnh những tảng đá mới phát hiện trên Twitter vào ngày 26/8.
"Tôi đến đáy hồ cổ của miệng núi lửa Jezero với mong đợi tìm thấy nhiều đá trầm tích. Tôi nhìn thấy chúng ở vùng châu thổ sông cũ, nhưng đáy miệng núi lửa thật bất ngờ - rất nhiều đá núi lửa", bài đăng viết.