Ồn ào tu bổ Chùa Cầu “do dư luận chưa hiểu về trùng tu di tích“

Google News

TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế nhìn nhận, Chùa Cầu đã được trùng tu bài bản, khoa học, đúng luật. Dư luận chỉ trích xuất phát từ việc chưa hiểu về công tác trùng tu di tích.

Sau gần 2 năm trùng tu với kinh phí hàng chục tỷ đồng, di tích Chùa Cầu (TP Hội An, Quảng Nam) đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, xuất hiện  sau khi tu bổ, hình ảnh chùa Cầu khoác lên mình tấm áo mới và lập tức thành chủ đề gây tranh cãi giữa 2 luồng dư luận. Trong đó, có nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng, Chùa Cầu từ một công trình hơn 400 năm tuổi đã trở thành công trình “1 tuổi”.
Chùa Cầu đã được trùng tu bài bản, khoa học, đúng luật
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, TS Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, Chùa Cầu được trùng tu theo giải pháp hạ giải toàn phần. Hạ giải toàn phần công trình di tích trong dự án trùng tu là một khâu rất quan trọng trong công tác trùng tu di tích hiện nay. Đây là công nghệ được các chuyên gia Nhật Bản chuyển giao từ năm 1990 trong quá trình hợp tác với Huế để thực hiện một số dự án trùng tu di tích.
On ao tu bo Chua Cau “do du luan chua hieu ve trung tu di tich“
 TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh: Mai Loan)
Thực tế, không phải trùng tu di tích nào cũng phải hạ giải toàn phần mà tùy vào mức độ hư hỏng, xuống cấp của công trình để lựa chọn giải pháp phù hợp.
Sau hơn 400 năm, Chùa Cầu đã xuống cấp và hư hỏng nặng. Phần móng của chùa Cầu bị lún, nghiêng; những kết cấu bằng gỗ bị mối mọt, mục ruỗng; tường bao bằng gạch bị bong tróc… Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt của miền Trung nắng gắt, mưa dầm, lũ lụt… công trình có thể bị sụp đổ.
On ao tu bo Chua Cau “do du luan chua hieu ve trung tu di tich“-Hinh-2
 Sau hơn 400 năm, Chùa Cầu đã xuống cấp và hư hỏng nặng. (Ảnh: Trung tâm bảo tồn di sản Hội An cung cấp)
Bởi vậy, có hạ giải toàn phần thì chúng ta mới có đủ điều kiện để đánh giá chính xác mức độ hư hỏng của công trình, từ nền móng đến bộ khung, tường bao, kết cấu mái và các chi tiết trang trí, từ đó mới đưa ra các giải pháp tu bổ phù hợp.
“Tôi cho rằng, công tác trùng tu di tích Chùa Cầu đã được thực hiện rất bài bản, khoa học, tuân thủ đúng các quy định của Luật Di sản văn hóa và các công ước quốc tế mà chúng ta đã tham gia. Dự án này lại có sự tham gia giám sát chặt chẽ của các chuyên gia Nhật Bản, một trong các cường quốc về trùng tu kiến trúc gỗ. Kết quả trùng tu cũng rất tốt” - TS Phan Thanh Hải nhận định.
“Nóng” dư luận về trùng tu chùa Cầu là điều đáng mừng
TS Phan Thanh Hải cho biết, việc dư luận chú ý đến việc trùng tu một di tích quan trọng như Chùa Cầu là chuyện rất bình thường, và còn là điều đáng mừng, bởi vì có quan tâm thì mới bàn luận, lo lắng, mục đích cũng là để bảo vệ di sản.
Tuy nhiên, theo dõi chuyện này, ông nhận thấy hầu hết các ý kiển chê bài, cho rằng công tác trùng tu đã làm “trẻ”, làm “mới” công trình đều là của những người chưa am tường về công tác trùng tu di tích.
On ao tu bo Chua Cau “do du luan chua hieu ve trung tu di tich“-Hinh-3
Chùa Cầu năm 2009. (Ảnh: Trần Đức Anh Sơn  - nguồn: Báo Quảng Nam)

On ao tu bo Chua Cau “do du luan chua hieu ve trung tu di tich“-Hinh-4
 Hình ảnh Chùa Cầu sau khi trùng tu khiến dư luận "dậy sóng". (Ảnh: Quốc Tuấn - nguồn: Báo Quảng Nam)
Bản thân ông cũng từng gặp phải sự phản ứng của dư luận vào năm 2019, khi Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế (lúc đó, ông đang làm giám đốc) đã phối hợp với Công ty Karcher (Đức) thực hiện dự án làm sạch rêu bằng kỹ thuật phun áp lực cao ở chế độ hơi nước nóng (steam cleaning) ở Ngọ Môn.
“Khi quyết định áp dụng công nghệ mới để làm sạch di tích Ngọ Môn tôi cũng phải đắn đo cân nhắc rất nhiều, bởi biết chắc sẽ phải đương đầu với dư luận khi công trình mất đi vẻ rêu phong”, ông Hải cho hay.
Tuy nhiên, sau khi bàn bàn kỹ với các chuyên gia Công ty Karcher, Đức và tham khảo hàng chục công trình trước đây họ đã làm sạch bằng công nghệ Steam Cleaning, đồng thời cho làm thí điểm một mảng tường của Kinh thành (đoạn ở Kỳ Đài), ông đã quyết định áp dụng công nghệ này để làm sạch một di tích 186 tuổi.
Bởi vì rêu mốc là một trong những nguyên nhân quan trọng phá hoại công trình cần phải loại trừ. Và kết quả sau khi làm sạch lớp rêu mốc bụi bặm, Ngọ Môn trở nên “sạch và đẹp” hơn rất nhiều. Rất nhiều du khách và nhân dân địa phương đã cảm thấy vô cùng thích thú khi được ngắm nhìn Ngọ Môn với màu sắc, dáng vẻ nguyên thủy. Ông cũng đã chủ động tổ chức họp báo để giải thích rõ lí do và thông qua báo chí để dư luận hiểu được công việc mình đã và đang làm.
Thực tế, nhiều công trình sau khi trùng tu cũng đã vấp phải sự phản ứng, chỉ trích xuất phát từ việc nhiều người chưa có hiểu biết về công tác trùng tu.
Chẳng hạn, công trình tòa biệt thự kiến trúc kiểu thuộc địa tại số 49 Trần Hưng Đạo (Hà Nội) là dự án trùng tu do các chuyên gia của Pháp thực hiện rất bài bản, màu sắc công trình nguyên thủy cũng được nghiên cứu rất kỹ lưỡng, kết quả trùng tu khá hoàn hảo. Tuy nhiên, do không quen nhìn công trình này với một diện mạo mới (mà thực ra là đã phục hồi đúng như màu sắc nguyên thủy) nên không ít người bị sốc, và khi chưa tìm hiểu kỹ họ đã vội chê bai, phê phán...
Hay trường hợp cầu Ngói Thanh Toàn (Hương Thủy- Thừa Thiên Huế) cũng vậy. Dự án trùng tu công trình này được tiến hành bài bản với phương án được lựa chọn cân nhắc kỹ càng, có sự giám sát chặt chẽ của các chuyên gia và cả cộng đồng người dân địa phương. Kết quả trùng tu rất tốt. Nhưng không ít người cảm thấy “lạ lẫm” trước công trình này vì đã quen nhìn ngắm một Cầu Ngói Thanh Toàn rêu phong cũ kỹ và có phần xập xệ, nên đã chê bai, phê phán.
Quan trọng là chất lượng trùng tu công trình
TS Phan Thanh Hải cho hay, hiện nay, trên thế giới có nhiều trường phái, nhiều quan điểm khác nhau về trùng tu di tích, mục đích cuối cùng vẫn là phục hồi công trình với tất cả những giá trị về văn hóa, lịch sử, mỹ thuật... mà nó vốn có.
Ở Nhật Bản, hầu hết các công trình sau khi được trùng tu thì đều có vẻ mới nguyên như vừa được xây dựng. Tuy nhiên, dư luận không ai có ý kiến về việc công trình có vẻ “mới”. Họ chỉ quan tâm đến việc trùng tu có đảm bảo đúng chất lượng, đúng quy trình, đúng công nghệ, kỹ thuật truyền thống hay không.

On ao tu bo Chua Cau “do du luan chua hieu ve trung tu di tich“-Hinh-5
On ao tu bo Chua Cau “do du luan chua hieu ve trung tu di tich“-Hinh-6
On ao tu bo Chua Cau “do du luan chua hieu ve trung tu di tich“-Hinh-7
Trùng tu Chùa Cầu, từng viên ngói, viên gạch, từng thanh gỗ có thể sử dụng được đều tuân thủ giữ lại những yếu tố gốc. (Ảnh:  Trung tâm bảo tồn di sản Hội An cung cấp)
Có lẽ do hầu hết người Nhật đã được trang bị kiến thức cơ bản về công tác bảo tồn và cả sự điềm tĩnh, khách quan khi nhìn nhận, đánh giá các sự việc. Tuy nhiên, điều quan trọng then chốt vẫn phải là chất lượng trùng tu công trình. Công trình trùng tu đúng chất lượng, cộng thêm sự hiểu biết của công chúng, thì sẽ không gây nên những phản ứng dữ dội.
Chẳng hạn, công trình Nhà thờ Đức Bà Paris, không hẳn là phục hồi 100% như nguyên bản công trình trước khi bị cháy mà đã có bổ sung một số yếu tố mới. Tuy nhiên, các nhà trùng tu của Pháp đã cố gắng phục hồi công trình gần nhất với nguyên bản để đáp ứng nhu cầu nguyện vọng thiết tha của đông đảo người dân và du khách, bởi hình ảnh Nhà thờ Đức Bà đã trở thành một phần của “tâm thức Paris”, hay “tâm thức Pháp”, nên đã không bị chê trách.
“Một dự án trùng tu đạt kết quả tốt nhất là dự án tuân thủ đúng các nguyên tắc về trùng tu di sản, được tiến hành bài bản, chuyên nghiệp với chất lượng cao nhất” - TS Phan Thanh Hải nhấn mạnh.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An (Quảng Nam) cho biết, đã lắng nghe, nắm được phản hồi của dư luận.
Trước khi trùng tu Chùa Cầu, Hội An đã tổ chức rất nhiều hội thảo trong nước và quốc tế, tham vấn rất nhiều nhà khoa học, kể cả các chuyên gia Nhật Bản.
Từng viên ngói, cấu kiện gỗ đều có đánh dấu, mời các chuyên gia thẩm định hiện trạng cấu kiện còn được bao nhiêu phần trăm, sử dụng được phần nào, phần nào bỏ đi đều có biên bản cụ thể. Bộ phận nào hư hỏng, mục ruỗng không đảm bảo cho an toàn công trình mới tháo bỏ, còn lại từng viên ngói, viên gạch, từng thanh gỗ có thể sử dụng được đều tuân thủ giữ lại những yếu tố gốc.
Về màu sắc của Chùa Cầu, ông Sơn cho hay, sau khi trùng tu được thực hiện theo đúng hồ sơ nghiên cứu. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của người dân và du khách, thành phố sẽ quét vôi lại viền màu trắng có phần nổi bật trên thân Chùa Cầu thành màu sẫm hơn để công trình đem lại cảm giác "đỡ mới" và hài hoà hơn. Việc sơn lại đường viền màu trắng cho sẫm hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến giá trị cốt lõi của di tích.
Còn phần màu đỏ hiện nay là màu nguyên bản truyền thống của Chùa Cầu nên vẫn được giữ nguyên. Đối với di tích cổ, Hội An đều sử dụng vôi pha với bột màu tự nhiên để phủ lên, cho nên màu sắc rất dễ phai, chỉ cần qua một mùa mưa nắng thì Chùa Cầu lại phủ rêu phong và có màu thời gian như trước khi trùng tu.
Mời quý độc giả xem video: TS Phan Thanh Hải, TS Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT&DL Thừa Thiên Huế chia sẻ về "Tết xưa". (Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện)

 
Mai Loan

>> xem thêm

Bình luận(0)