Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Mỹ (NAE) vừa thông báo kết nạp thêm 124 thành viên (106 nhà khoa học người Mỹ và 18 nhà khoa học quốc tế), nâng tổng số viện sĩ của cơ quan này lên 2.420 người Mỹ và 319 người nước ngoài. Trong số đó có Giáo sư Nguyễn Thục Quyên, nữ nhà khoa học gốc Việt, hiện đang giảng dạy tại Trường đại học California, Santa Barbara (Mỹ).
|
GS Nguyễn Thục Quyên trong một buổi giao lưu trong khuôn khổ Lễ trao giải thưởng VinFuture năm 2021. |
Đây chính là công nhận danh dự cao nhất trên thế giới dành cho các chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật. Kết quả bầu chọn dựa trên những đóng góp xuất sắc và thành tựu nổi bật của các tân viện sĩ trong việc nghiên cứu, giảng dạy ở lĩnh vực này.
Đặc biệt, Viện đánh giá cao vai trò tiên phong của các tân viện sĩ trong việc phát triển những lĩnh vực công nghệ mới, tạo ra sự phát triển vượt bậc ở những ngành kỹ thuật truyền thống hoặc mang đến những cách tiếp cận đột phá trong việc giảng dạy ngành kỹ thuật.
Nữ giáo sư gốc Việt được lựa chọn nhờ những đóng góp đi đầu trong vai trò lãnh đạo cho cộng đồng khoa học, giáo dục và nghiên cứu về các thiết bị điện tử hữu cơ như quang điện, pin mặt trời hữu cơ và các ứng dụng phân tử hữu cơ, tiết kiệm năng lượng.
Sau khi nhận được tin vui này, GS Quyên chia sẻ, bà chưa từng mơ tới một này được bầu vào Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Mỹ. Đây là một vinh dự lớn lao cũng như cơ hội để bà có thể đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng khoa học, cho xã hội nhờ công việc giảng dạy và nghiên cứu của mình.
|
GS Nguyễn Thục Quyên hiện đang giảng dạy tại Đại học California. |
Giáo sư Nguyễn Thục Quyên là Giáo sư Khoa Hóa & Hóa sinh tại Đại học California, Santa Barbara (UCSB) và là đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture.
Bà từng dành thời gian nghiên cứu tại Khoa Hóa học và Trung tâm Nano tại Đại học Columbia về quá trình tự lắp ráp phân tử, đặc tính kích thước nano và các thiết bị liên quan. Giáo sư cũng từng làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu IBM T. J. Watson (New York, Mỹ) về điện tử phân tử.
Các nghiên cứu của bà xoay quanh tính chất điện tử của polyelectrolytes liên hợp, giao diện trong các thiết bị quang điện tử, việc tạo và vận chuyển điện tích trong chất bán dẫn hữu cơ, vật liệu mới cho các ứng dụng pin mặt trời hữu cơ, tự lắp ráp phân tử, xử lý vật liệu, đặc tính kích thước nano của pin mặt trời hữu cơ và vật lý thiết bị.
GS Nguyễn Thục Quyên xuất sắc nằm trong top 1% Nhà nghiên cứu Khoa học Vật liệu được Trích dẫn Nhiều nhất thế giới của Thomson Reuters và Clarivate Analytics.
GS Nguyễn Thục Quyên là một trong hai thành viên hội đồng Giải thưởng VinFuture được bầu vào Viện Hàn lâm Kỹ thuật Quốc gia Hoa Kỳ năm nay. Người còn lại là Tiến sĩ Xuedong Huang, thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture, Giám đốc Công nghệ Azure AI, Tập đoàn Microsoft.