SEA game 31 – đại hội thể thao Đông Nam Á sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 5 tới, Sao la được cơ quan chức năng lựa chọn là linh vật của sự kiện này. Đây là một trong những loài thú hiếm nhất trên thế giới, sinh sống trong núi rừng Việt Nam, Lào và được xếp hạng bảo tồn nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam.
Xuất hiện đầu tiên vào năm 1992 tại Vườn Quốc gia Vũ Quang (Hà Tĩnh), lần ghi nhận gần đây nhất tại Quảng Nam vào năm 2013 bằng bẫy ảnh. Và từ đó đến nay, Sao la không còn được ghi nhận trong tự nhiên. Hiện nay, hàng ngày, ở dọc dãy Trường Sơn này có những người vẫn đi tìm hình bóng của loài động vật bí ẩn được gọi là “Kỳ lân châu Á” này.
Theo dấu Sao la
A Lưới được xem là nơi ghi nhận sự xuất hiện của Sao la với mật độ khá dày. Người dân kể rằng đã liên tiếp bắt gặp Sao la khi đi rừng. Chúng vào tận vườn nhà dân và họ từng sử dụng chúng làm thực phẩm khi chúng mắc bẫy. Với cặp sừng dài và có hoa văn đẹp nên chúng được họ để lại trang trí trong nhà.
“Lúc xưa tôi thấy chúng rất nhiều nhưng hiện nay chỉ có một số nhà vẫn còn giữ lại cặp sừng” – lời kể của một người dân.
|
Lực lượng Khu bảo tồn Sao la đi tuần tra. Ảnh: KBTCC
|
Qua những chỉ dẫn, chúng tôi tìm gặp một số người được cho là có cặp sừng Sao la nhưng khi nhắc đến hai từ Sao La thì chúng tôi đều nhận được cái lắc đầu kể cả khi năn nỉ chỉ xem qua chứ không giữ lại một dấu vết gì dù chỉ một bức ảnh.
Chúng tôi đến Khu bảo tồn Sao la đóng tại huyện A Lưới, Thừa Thiên - Huế. Khu bảo tồn được thành lập vào năm 2013, nhằm bảo vệ các loài động vật quý hiếm tại địa bàn xã Hương Nguyên (huyện A Lưới), Thượng Quảng, Thương Long (huyện Nam Đông) với diện tích hơn 15.000 ha để tìm những manh mối về loại động vật bí ẩn này.
Ông Phạm Viết Nước, nhân viên của Khu bảo tồn này cũng khẳng định, vì là người địa phương nên từng nghe người dân kể lại việc gặp Sao la và lúc nhỏ ông từng thấy cặp sừng của chúng. Ông Nước miêu tả cặp sưng dài thẳng đứng và nhọn, có hoa văn rất đẹp.
Ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn Sao la Thừa Thiên - Huế cho biết, tại Thừa Thiên - Huế vào năm 1998 đã phát hiện có hai cá thể Sao la tại xã Dương Hòa (Hương Thủy) và xã Hương Nguyên (A Lưới). Tiếp đến vào năm 1999, một con Sao la con có trọng lượng 10kg đã xuất hiện tại xã Hương Nguyên.
“Việc phát hiện cá thể Sao la đánh dấu mốc quan trọng đối với sự phân bố của loài thú này trên bản đồ đa dạng sinh học của tỉnh. Một loài thú lớn đã tồn tại rất lâu nhưng mãi đến cuối thế kỷ XX mới phát hiện được và vẫn đang còn tồn tại với nhiều bí ẩn ở khu vực rừng tự nhiên của tỉnh Thừa Thiên - Huế” - ông Thanh nói.
Từ cuối năm 1996 đến đầu năm 1997, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phối hợp với các tổ chức thực hiện nhiều cuộc khảo sát nhằm xác định sự phân bố của loài Sao la ở địa bàn tỉnh. Kết quả cho thấy loài Sao la tồn tại ở 19/40 xã thuộc 5 huyện (A Lưới, Nam Đông, Hương Thủy, Hương Trà, Phong Điền).
|
Một bẫy ảnh Sao la được đặt. Ảnh: NGUYỄN DO
|
Để bảo tồn các loài động vật quý hiếm và tìm dấu vết Sao la, khu bảo tồn này có ba đội tuần tra. Mỗi đợt tuần tra kéo dài 5 ngày, nhiệm vụ của họ là tuần tra, tháo dỡ những bẫy thú, đặt bẫy ảnh. Để chuẩn bị cho cuộc hành trình đó, trong những chiếc ba lô của họ đều chất các trang thiết bị hỗ trợ công việc và thực phẩm cho cuộc sinh tồn giữa rừng già.
Hiểm nguy giữa rừng già
Trong đội Bảo tồn Sao la có người đã ở lại mãi mãi giữa rừng già, có người bị thương phải vượt hàng chục cây số đường rừng để đi đến điểm cấp cứu. Hành trình đưa đồng đội vượt rừng để níu kéo giữ sống – chết luôn khiến các thành viên trong đội ám ảnh khó quên.
Gắn bó với Khu bảo tồn từ ngày thành lập, hơn 10 năm này, ông Phạm Viết Nước đã đặt chân đến hầu hết tiểu khu trong khu bảo tồn rộng lớn. Ông xem rừng là nhà của mình, cũng đúng thôi khi mỗi tháng ông và các thành viên của khu bảo tồn này phải thực hiện ăn rừng, ngủ lán ít nhất 22 ngày. Đến giờ đây, mỗi loại cây, mỗi loại động vật bắt gặp ông đều đọc vanh vách.
Đang chuẩn bị vật dụng cho chuyến đi rừng tiếp theo, ông Phạm Viết Nước cho biết, ở trong rừng sâu thì nguy hiểm luôn rình rập, đặc biệt thời tiết ở nơi đây cũng thay đổi thất thường, những cơn mưa ở đầu nguồn khiến nước theo các con suối bất chợt đổ về như thác, những cây cổ thụ già bỗng nhiên đổ gãy, các loại động vật luôn sẵn sàng tấn công vì chúng nghĩ mình bị đe dọa.
Nhiều đồng đội của ông Nước đã bị thương và theo ông, hành trình đưa người bị thương ra khỏi khu rừng không phải chuyện đơn giản. Ông Nước nói: “Người bình thường đi giữa rừng còn khó, huống chi người bị thương. Ông thử tưởng tượng vừa bị ngã, đầu gối bị thương mà phải di chuyển hàng chục cây số đường rừng núi, dốc cao hoặc suối nước sâu thì sẽ hiểu, chứ tôi giải thích rất khó”.
Là người dân địa phương nên từ lúc còn nhỏ ông Nước đã theo bố đi rừng, rừng già đã chở che, nuôi sống gia đình. Nhưng rừng già luôn chứa những điều bí ẩn thiêng liêng khó giải thích và luôn có những điều cấm kỵ phải nằm lòng. Khi hỏi về những điều đó, ông Nước trở nên huyền bí, không kể chi tiết mà cho rằng: Mọi việc đi lại, nói năng giữa rừng đều luôn phải cẩn thận.
Anh Hồ Viết Nhàn (42 tuổi) cho biết, trong đội Bảo tồn Sao la, có một đồng đội của họ đã nằm lại mãi mãi giữa cánh rừng này đó là anh VTT trong khi đang nằm ngủ trong trại giữa rừng thì bị một nhành cây lớn đổ đè trúng người.
“Nhành cây đổ xuống đã đè lên người anh ấy, ngay lúc đó các thành viên trong đội khẩn trương đưa anh ra ngoài để cấp cứu, nhưng đừng xá rất khó khăn nên khi ra đến nơi thì anh ấy đã ngưng thở” – anh Nhàn kể lại.
Đối mặt với hiểm nguy nhưng những năm qua, họ đã thường xuyên gỡ hàng ngàn bẫy thú của người dân mỗi năm. Ông Nguyễn Thanh cho biết: những năm 2014 đến 2017, tình trạng đặt bẫy thú rừng trong khu bảo tồn thật sự là một vấn nạn. Có những năm, lực lượng tuần tra bảo vệ rừng đã tháo dỡ đến hơn 21.000 chiếc bẫy các loại. Tín hiệu đáng mừng là những năm gần đây lượng bẫy đã giảm rõ rệt, mỗi năm khoảng 3.000 bẫy. Việc bảo tồn này khiến lượng động vật trở lại rừng ngày một nhiều lên.
|
Ông Hồ Viết Nước kể hành trình đi tuần tra tại Khu bảo tồn Sao La. Ảnh: N.DO
|
Theo Ban Quản lý Khu bảo tồn Sao La tỉnh Thừa Thiên - Huế, kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy khu bảo tồn hiện có 1.035 loài thực vật, 42 loài thú, 139 loài chim, 54 loài cá, 84 loài bò sát, ếch, nhái và 284 loài bướm. Trong đó, nhiều loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN).
Ông Nguyễn Thanh cho biết, trong suốt thời gian qua, Khu bảo tồn Sao La đã thực hiện hàng ngàn lượt tuần tra rừng, nhiều lượt đặt bẫy ảnh, đặc biệt có hai lần lấy mẫu vắt để xét nghiệm máu, lấy mẫu phân đưa đi nước ngoài phân tích nhưng vẫn biệt vô âm tính. Hàng ngày, mỗi lượt đi tuần tra rừng, đặt bẫy ảnh anh em mong mỏi nhất là một lần ghi nhận được sự hiện diện của Sao la.