Loài kiến Colobopsis explodens – Ảnh: ZooKeys
Kiến ‘cảm tử’
Hồi đầu tháng 4, một nhóm nhà khoa học đã mô tả loài kiến mới được phát hiện ở Đông Nam Á có tên khoa học là Colobopsis explodens trong một báo cáo trên chuyên san ZooKeys. Giống như cái tên của chúng đã chỉ ra, kiến thợ của loài này tự kích hoạt cơ chế khiến cơ thể nổ tung trong lúc xáp lá cà với đối thủ. Khi nổ, phần bụng của chúng phun ra một dạng chất độc dính nhớp nháp trên cơ thể đối phương. Tất nhiên, kiến chết tại chỗ trong lúc cố gắng bảo vệ tổ của chúng.
Thông thường chuột thấy mèo là chạy tóe khói, nhưng một số con lại hoàn toàn dửng dưng trước sự có mặt của loài thiên địch. Trên thực tế, không phải chúng bị “đứt” dây thần kinh sợ mèo, mà hành vi hoàn toàn muốn tự sát này diễn ra do chuột nhiễm một loài ký sinh trùng gọi là Toxoplasma gondii, khiến chúng mất đi bản năng quan trọng đến sự sống còn. Nếu mèo ăn chuột nhiễm ký sinh trùng kể trên, Toxoplasma gondii có thể lây sang mèo và từ đó lây nhiễm cho người.
Bạch tuộc khổng lồ Thái Bình Dương
Loài bạch tuộc khổng lồ tại đại dương lớn nhất thế giới chỉ đẻ một lần trong đời. Khi nhiệm vụ di truyền nòi giống đã hoàn thành, chúng chuyển sang trạng thái thoái hóa, theo đó con đực di chuyển một cách vô vọng trong môi trường mở, khiến chúng dễ dàng trở thành mồi ngon cho các động vật săn mồi. Về phần mình, con cái tuyệt thực và chết gần như ngay sau khi trứng nở.
Ong gãy vòi
Nhiều người biết rằng khi ong thợ đốt nạn nhân của chúng, con vật đồng thời phải trả giá bằng chính mạng sống của mình: đầu móc của vòi đốt dính vào da nạn nhân, làm phần bụng chúng bị xé toạc. Tuy nhiên, cần lưu ý trường hợp này chỉ xảy ra khi ong đốt các loài động vật da dày hơn như con người, trong khi đó chúng vẫn bảo toàn được mạng sống nếu đối tượng cũng là côn trùng.