Những bí ẩn xung quanh Hồ nước ngọt sâu nhất hành tinh

Google News

Ở độ sâu hàng nghìn mét dưới đáy hồ Baikal, những bí ẩn vẫn luôn khiến giới khoa học bị ám ảnh.
 

Trước thế kỷ XVII hồ có tên là “Lamu”, theo ngôn ngữ Evenk có nghĩa là “Biển”. Sau này, hồ được người Buryati gọi là “Baigal” và để nghe thuận tai với cách nói của người Nga hơn, chữ “G”được đổi thành chữ “K”. Cái tên Baikal theo ý nghĩa và âm tiết của tiếng Arab còn có nghĩa là “Biển hồ vô vàn giọt nước mắt”.
Hòn Ngọc của nước Nga
Nhung bi an xung quanh Ho nuoc ngot sau nhat hanh tinh
Hồ Bailak ngày nay. 
Nằm nép mình trong vùng Siberia hoang dã là hồ Baikal rộng lớn, có hình thù giống như một chiếc lưỡi liềm khổng lồ. Vẻ đẹp tĩnh lặng hiếm thấy của Baikal được người ta ví như “Hòn Ngọc của nước Nga”.
Đây là hồ nước ngọt sâu nhất thế giới. Đáy hồ có điểm nằm ở độ sâu lên tới 1.642m. Đồng thời hồ có trữ lượng nước ngọt lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 20% trữ lượng nước ngọt trên toàn thế giới. Theo tính toán, lượng nước này đủ dùng cho cả nhân loại trong vòng 40 năm.
Rộng 31.722km2 và được coi như chốn thiên đường nghỉ dưỡng, cảnh vật quanh hồ luôn giữ được vẻ nguyên sơ như thuở ban đầu. Mặt hồ giống như chiếc gương khổng lồ soi bóng những núi đá hùng vĩ trùng trùng lớp lớp bạch dương nối đuôi nhau. Làn nước màu xanh ngọc bích trong vắt tới mức ở độ sâu hàng chục mét vẫn có thể nhìn thấy đá cuội và sinh vật dưới lòng hồ.
Hồ Baikal còn sở hữu hệ động thực vật vô cùng phong phú, là nhà của hơn 2.500 loài động thực vật, trong đó có đến 2/3 loài chỉ cư trú và sinh trưởng tại đây. Một số loài động vật quý hiếm nổi tiếng gồm loài hải cẩu có tên gọi nerpa Baikal, loài cá Golomianka độc đáo với thân mình trong suốt và không đẻ trứng như cá thông thường mà đẻ ra cá con.
Hàng loạt giả thuyết về sự ra đời
Đến tận bây giờ các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định chính xác hồ Baikal đã bao nhiêu tuổi. Hầu hết các giả thuyết đều cho rằng tuổi của hồ Baikal khoảng từ 25 đến 30 triệu năm. Nếu giả định này là đúng, hồ nước ngọt Baikal sẽ là hồ lâu đời nhất trong số các hồ cổ xưa. Thông thường các hồ nước không “sống” được quá 10 đến 14 nghìn năm, bởi sau khoảng thời gian này hồ nước thường bị “bùn hóa” và biến thành đầm lầy.
Có rất nhiều bí ẩn được người đời truyền tai nhau ở hồ Baikal, ngay đến sự ra đời của hồ cũng chứa dựng những câu chuyện ly kỳ. Có chuyện kể rằng, thiên thạch đâm vào Trái đất và tạo ra một vết nứt lớn, sau này chính là hồ Baikal.
Một câu chuyện khác về hồ xoay quanh người đàn ông đầy quyền lực tên Baikal. Thuở xưa, Baikal có một cô con gái xinh đẹp tên Angara. Angara đẹp tới mức để bảo vệ nàng, cha Baikal đã nhốt cô trong một tòa tháp cao. Nhưng người con gái xinh đẹp lại đem lòng yêu chàng Yenisey và trốn cha đi theo người yêu. Baikal biết chuyện, nổi giận và nguyền rủa Angara, ném một mảnh núi vỡ chắn đường không cho nàng gặp Yenisey. Angara khát khô cả họng. Cô van nài cha tha lỗi và cầu xin ông ban cho nước uống. Thế nhưng, Baikal trả lời rằng, ông chỉ có thể cho cô nước mắt… Đó là lý do vì sao 2 nhánh sông Angara và Yenisey thuộc hồ Baikal tạo thành hình một giọt nước mắt như ngày nay. Còn về phần Baikal, đau buồn vì chuyện của con gái, ông trở nên lạnh lùng, ủ rũ y như vẻ ảm đạm, lạnh lẽo thường thấy của hồ sau này.
Hay câu chuyện khi con người đặt chân tới vùng này, không có dấu tích của nước. Mọi người tìm kiếm rất lâu nhưng vô ích. Họ chán chường, thất vọng và tức giận. Cho đến khi một người hành hương xuất hiện. Người đó cảm thương số phận của các cư dân sắp chết khát, nên quyết định xé trái tim từ lồng ngực, ném xuống đất. Quả tim phá vỡ tầng đất dày phía dưới chân và nước từ đó tuôn ra xối xả, tinh khiết, tạo thành hồ Baikal như ngày nay.
Thậm chí người dân địa phương đồn rằng, hồ có năng lực ma thuật siêu nhiên nào đó có thể kéo dài tuổi thọ con người. Đó cũng là lý do vì sao nhiều người sẵn sàng mạo hiểm ngâm mình trong nước hồ ở nhiệt độ -5 độ C để được bất tử.
Khởi nguồn của những bí ẩn
Một trong số đó là sự tồn tại bí ẩn của con quái vật khổng lồ trong hồ. Người bản địa Buryats sinh sống ven hồ kể lại rằng, họ đã từng chứng kiến một con quái vật khổng lồ và gọi nó là Lusud-Khan hay Usan-Lobson Khan, nghĩa là “Rồng nước bọc thép”. Những người thám hiểm Trung Quốc đến đây và kể lại rằng họ cũng nhìn thấy một sinh vật khổng lồ ẩn mình trong làn nước xanh ngắt của Baikal và gọi nó với các tên là “Thần hồ và Cá rồng”.
Bằng chứng cổ xưa về quái vật hồ Baikal được phát hiện trên các hình ảnh chạm khắc ở tấm đá lớn hồ Baikal, có niên đại từ thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 9 Trước Công nguyên. Trên tấm đá khắc họa hình ảnh quái vật nước bí ẩn, có hình dáng giống như con thằn lằn có lưỡi chẻ đôi, bộ móng vuốt sắc nhọn cùng tấm áo giáp dọc theo lưng của nó.
Có rất nhiều báo cáo liên quan đến những ánh sáng lạ, UFO và người ngoài hành tinh tại hồ Baikal. Điều thú vị là, những câu chuyện liên quan đến UFO tại đây lại đến từ những tập tài liệu bí mật của Hải quân Liên Xô.
Đáng chú ý trong tập tài liệu đó là vụ tai nạn máy bay thương mại khó hiểu xảy ra năm 1958. Khi đó, một máy bay chở khách của Liên Xô là Tupolev Tu-154 gặp nạn và lao thẳng xuống mặt nước hồ đóng băng. Báo cáo cho hay, vụ tai nạn không hề liên quan đến các vấn đề kỹ thuật hay do lỗi của phi công trưởng. Nguyên nhân Tupolev Tu-154 gặp nạn là vì bị một UFO khổng lồ truy đuổi.
Hơn 20 năm sau, Baikal lại xuất hiện một câu chuyện kỳ lạ liên quan đến sinh vật kỳ lạ giống người ngoài hành tinh. Lần này, chính lính hải quân Liên Xô thuật lại. Theo đó, vào năm 1982, khi đang lặn dưới hồ Baikal, hải quân Liên Xô bất ngờ đụng độ một sinh vật hình người khổng lồ mặc một bộ đồ ánh bạc dài đến 50m. Báo cáo cho hay, 3 thợ lặn hải quân đã chết, 4 người khác bị thương nặng khi cố gắng tiếp cận và đuổi theo sinh vật kỳ lạ.
Chính phủ Liên Xô thời đó phủ định tất cả những câu chuyện liên quan đến UFO và người ngoài hành tinh trước công chúng và liên tục khẳng định rằng, thứ mà người dân thấy có thể là một hiện tượng siêu nhiên mà con người chưa thể giải thích rõ ràng. Họ tuyệt nhiên không đề cập đến UFO và sinh vật kỳ lạ kia.
Trước khi sự kiện lính Hải quân Liên Xô đụng độ sinh vật dáng người khổng lồ dưới hồ Baikal xảy ra năm 1982, một sự kiện khác liên quan đến khoa học cũng khiến nhiều người nghi ngờ sự tồn tại của người ngoài hành tinh. Đó là vào năm 1977, khi tàu lặn Paysis (thuộc dự án nghiên cứu khoa học tại hồ Baikal của các nhà khoa học Liên Xô) chạm đến độ sâu 1.200m thì bất ngờ gặp trục trặc kỹ thuật, hệ thống đèn của Paysis đột ngột tắt, không gian xung quanh chìm trong bóng tối lạnh lẽo. Đột nhiên, một luồng ánh sáng cực mạnh chiếu thẳng vào con tàu lặn Paysis. Hệ thống camera ghi hình của Paysis ghi nhận luồng sáng trắng chói mắt. Sau vài giây, luồng sáng chợt mất, trả lại vùng nước đen đặc quánh.
Tới năm 2009, người ta lại phát hiện ra ở hồ Baikal những vòng tròn kỳ lạ đường kính lên tới 4,4km có thể nhìn thấy từ vệ tinh ngoài Trái đất. Hai năm sau, một chiếc tàu có tên Yamaha đã mất tích ở hồ vì hút vào các xoáy nước lớn. Nhiều người cho rằng, đó là bằng chứng cho sự hiện diện của người ngoài hành tinh và các xoáy nước trên chính là cánh cửa đi tới thế giới địa ngục.
Bản thân người dân sống quanh hồ Baikal cũng kể lại nhiều điều bí ẩn. Rất nhiều người thường xuyên nhìn thấy các khung cảnh lạ trên mặt hồ: từ hình lâu đài cho tới xe lửa, tàu thuyền…Đôi khi, vào ban đêm, từ phía dưới hồ còn phát ra ánh sáng rất đáng sợ. Cho tới nay, hồ Baikal vẫn làm người ta phải hoài nghi về thứ được gọi là “người ngoài hành tinh” và câu trả lời thực sự vẫn còn nằm trong bóng tối.
Theo Bùi Mến/Báo Pháp luật

>> xem thêm

Bình luận(0)