Lần đầu tiên trong lịch sử, hơn 1.200 nhân viên Amazon sẽ rời khỏi văn phòng vào ngày 20/9 để phản đối lượng vết carbon (carbon footprint) mà công ty để lại gây ảnh hưởng đến môi trường.
Không chỉ Amazon, hàng loạt nhân viên Microsoft, Facebook và Google cũng tuyên bố đình công với lý do tương tự tại 120 quốc gia.
Apple là cái tên còn lại trong Big Five (5 công ty công nghệ lớn nhất) chưa có nhân viên tham gia cuộc đình công.
20/9 cũng là ngày ra mắt iPhone 11, iPhone 11 Pro và iPhone 11 Pro Max chính thức lên kệ. Apple đã có những giải pháp bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, đóng gói và tiêu hủy sản phẩm, tuy nhiên không thể phủ nhận iPhone vẫn cần khai thác tài nguyên từ Trái Đất.
|
Apple sẽ bán iPhone mới trong ngày nhân viên các hãng đối thủ đình công. Ảnh: Getty Images.
|
Từng có tranh cãi về những hành động môi trường của Apple. Năm 2018, Táo khuyết khẳng định toàn bộ trung tâm dữ liệu, văn phòng và cửa hàng đã chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, đồng thời thành lập quỹ năng lượng sạch trị giá 300 triệu USD tại Trung Quốc.
Tuy nhiên vào năm 2017, nhiều nguồn tin cho biết Apple đã buộc các nhà tái chế cắt iPhone, iPad và MacBook thành từng mảnh nhỏ để chúng không thể sửa chữa hoặc tái sử dụng. Nhiều nhà tái chế không hài lòng khi những thiết bị trên hoàn toàn có thể sửa, nhưng Apple lại muốn cắt chúng ra, lấy nguyên liệu sản xuất sản phẩm mới.
Nhân viên biểu tình để phản đối công ty trong giới công nghệ không còn mới. Từ các công ty nhỏ như Kickstarter đến "ông lớn" như Amazon, Google... Nhân viên thường biểu tình về các vấn đề như quấy rối tình dục, hợp đồng với quân đội, phân biệt đối xử...
Vào ngày 16/9, các nhân viên Facebook đã tạo tài khoản Twitter với tên "Nhân viên Facebook vì hành động môi trường" (Facebook Employees for Climate Action) để nói về cuộc đình công.
Không chỉ Facebook, một tài khoản tương tự của nhân viên Google cho biết ít nhất 400 người sẽ tham gia cuộc đình công, yêu cầu Google chấm dứt hợp tác với các công ty khai thác dầu khí.