Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí PLOS One đã phát hiện ra một căn bệnh đáng sợ ám ảnh những đứa con lai giữa 2 loài người cổ đại Neanderthals và Homo sapinens.
Theo tiến sĩ Stephane Mazieres từ Đại học Aix-Marseille, tác giả chính của nghiên cứu, họ đã phân tích nhóm máu của 3 người Neanderthals và phát hiện ra họ rất dễ mắc bệnh tan máu bẩm sinh ở thai nhi và trẻ sơ sinh (HDFN), do một biến thể di truyền cụ thể.
Một người hiện đại đang quan sát hộp sọ Neanderthals trong bảo tàng - Ảnh: NEW SCIENTIST
Biến thể này, lại có thể xuất phát từ các cuộc hôn phối dị chủng với loài người hiện đại Homo sapiens, chính là chúng ta. Trước đó, nhiều nghiên cứu cho thấy khi Homo sapiens xuất hiện trên thế giới (hơn 300.000 năm trước), chi Người (Homo) có ít nhất 9 loài. Nhưng các loài anh em này đều đã bị tuyệt chủng, bao gồm 2 loài được chứng minh là có giao phối với tổ tiên chúng ta - người Neanderthals và Denisovans.
Những cuộc hôn phối khác loài Homo sapiens - Neanderthals đã cho ra đời những đứa trẻ Homo sapiens mang một phần gene Neanderthals và những đứa trẻ Neanderthals mang một phần gene Homo sapiens.
Theo Daily Mail, những Homo sapiens mang gene Neanderthals đã thực sự thừa hưởng món quà kỳ diệu, giúp họ chống chọi lại nhiều loại bệnh, sinh sản nhẹ nhàng hơn những người Homo sapiens "thuần chủng". Những kết quả này đã được phát hiện qua nhiều nghiên cứu vài năm nay trên cộng đồng châu Âu - nơi có tới khoảng 1/3 dân số mang gene Neanderthals, tập trung ở vùng Bắc Âu, vốn có nhiều người mang tới 2% yếu tố Neanderthals.
Nhưng đứa trẻ Neanderthals mang gene Homo sapiens lại không may mắn như thế. Tuy đối với loài người hiện đại chúng ta, HDFN chỉ xảy ra ở 3/100.000 các bào thai, nhưng với người Neanderthals có vài đặc điểm bất lợi trên bộ gene, mầm mống của HDFN nhanh chóng lẫn vào cộng đồng của họ thông qua hôn phối dị chủng.
Bệnh này có thể hiểu như sau: mọi người đều có nhóm máu và yếu tố Rh+, tức "dương tính" với một loại protein trên bề mặt hồng cầu. Tuy nhiên nếu một phụ nữ không có protein này (Rh-) có con với một người đàn ông có Rh+, thai nhi có thể mang yếu tố Rh khác với mẹ nó, khiến hệ thống miễn dịch của người mẹ tấn công các tế bào hồng cầu của em bé, gây ra tử vong.
Chưa kể, một số căn bệnh nhiệt đới từ Homo sapiens cũng được cho là quá sức chịu đựng của người Neanderthals, một loài tuy rằng có bộ não còn lớn hơn chúng ta, trí thông minh không kém cạnh và sức mạnh vượt trội, nhưng lại kém khả năng chịu đựng và thích nghi hơn.