Vào năm 2009, ông Nguyễn Hồng Thanh, khi đó đang là Bí thư Huyện ủy huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã dành thời gian gõ cửa từng nhà để vận động mọi người trồng cây gây rừng.
Ảnh minh họa.
Ban đầu, khi nghe ông Thanh trình bày, bà con đều không đồng ý vì cho rằng cây cối ở xã đã quá nhiều, không còn chỗ để trồng thêm. Thấy vậy, ông vẫn không bỏ cuộc mà tích cực đi tuyên truyền để người dân trong xã hiểu ra mục đích tốt đẹp của việc trồng cây gây rừng.
Kết quả, ông Thanh đã thuyết thục được đông đảo bà con trồng cây và tình nguyện dành thời gian chăm sóc, bảo vệ rừng của làng. Để việc phủ xanh đất trống diễn ra thuận lợi hơn cho các hộ dân, ông đã đích thân đi hỏi mua giống cây sưa và hướng dẫn mọi người cách chăm sóc.
Tại thời điểm đó, mỗi gia đình người Arem được phát từ 10 đến vài chục cây sưa. Trước tiên là vận động bà con trồng quanh nhà mình lấy bóng mát. Sau đó sẽ trồng rộng ra diện tích đất trống quanh bản.
Ông Đinh Giàu - nguyên cán bộ xã Tân Trạch, người đầu tiên tham gia trồng cây sưa chia sẻ rằng: “Cái cán bộ nói rất phải, mỗi người, mỗi nhà trồng mấy chục cây là sẽ thành rừng”.
Được biết, nhà ông Giàu cũng trồng 20 cây sưa đỏ quanh nhà rồi vận động người khác làm theo. Chẳng mấy chốc mấy chục hộ dân của xã Tân Trạch đều trồng sưa đỏ. 10 năm trôi qua, giờ rừng sưa của bà con đã to bằng bắp chân người lớn, tỏa bóng mát.
Thời gian gần đây, khắp nơi rộ lên phong trao tìm gỗ sưa bán cho tư thương kiếm lời. Nhiều tay buôn gỗ lậu cũng đã biết người Arem đang có rừng gỗ quý nên lên tận nơi dụ dỗ người dân bán gỗ sưa. Tuy tiền tỷ để ngoài vườn nhưng không một hộ nào hạ cây bán gỗ mà đồng lòng giữ rừng với mong muốn để lại “kho báu” cho đời con cháu.
Theo ông Đinh Lầu, cán bộ xã Tân Trạch, hiện rừng sưa đã được giao cho 49 hộ trong xã bảo vệ, gìn giữ. Ban quản lý và bảo vệ rừng của xã trực tiếp phân lô, đếm cây, chủ hộ đứng ra nhận, có biên bản, có điểm chỉ hẳn hoi.
Trên mỗi cây gỗ sưa đều được đánh dấu tên của từng hộ bằng màu đỏ: Đinh Dinh, Đinh Lầu, Đinh Pin, Đinh Cất, Đinh Vinh,… Đây là cách để mỗi người dân có trách nhiệm với từng gốc cây, để bảo vệ, gìn giữ tốt hơn.
Một cán bộ ở xã Tân Trạch thông tin, mỗi cây ở đây nếu bán nguyên gốc, không dưới 30 triệu đồng, nhiều cây trị giá cả trăm triệu đồng, còn loại 50 triệu đồng/gốc thì rất nhiều. Tính sơ sơ rừng cây này cũng phải giá trị hơn trăm tỷ đồng.