Vào thời Gia Khánh đế triều Thanh, có một toán cướp hơn trăm người, sát khí đằng đằng định xông vào một ngôi làng bên chân núi cướp bóc. Những tưởng sẽ thu được một mẻ hời, nào ngờ khi vào đến trong làng, bọn cướp không thể nào ra được. Ngôi làng này giống như một cái mê cung trong truyền thuyết, tìm đâu cũng không thấy lối ra.
Tức giận, chúng quyết định châm lửa đốt sạch ngôi làng, nhưng bất ngờ, không biết từ đâu muôn vàn thiên la địa võng rơi xuống chụp lên đầu những tên cướp này, khiến chúng không thể chạy thoát được. Tất cả những tên cướp đều bị bắt sống giao nộp cho quan phủ.
Hóa ra, người dân trong làng đã sớm có sự chuẩn bị từ trước, chỉ chờ cho những tên cướp này đi vào bên trong, thì tất cả mọi người xông đến.
Câu chuyện ly kỳ này kể về một ngôi làng có tên là Cao Kỷ ("kỷ" trong từ "trường kỷ" nghĩa là cái ghế) ở tỉnh Hồ Nam của Trung Quốc. Sở dĩ có tên là Cao Kỷ vì ngôi làng có ba mặt được bao quanh bởi núi, một mặt đối diện với nước, giống chiếc ghế.
Kết cấu "hoa mai" thôi miên người đi đường
Nghe đến ngôi làng nức tiếng "vào được mà không ra được", nhiều chuyên gia địa chất, lịch sử cho rằng: chỉ là một ngôi làng nhỏ bé, làm gì có chuyện vào được mà lại không ra được?
Một chuyên gia quyết định đến khảo sát ngôi làng. Khi đến nơi, quả thực ông đã không có cách nào ra được, đi mãi mà vẫn thấy như trở lại chỗ vừa đến. Phải nhờ có sự giúp đỡ của người trong làng, ông mới có thể đi ra.
Ao nước giữa ngôi làng "mê cung" (Ảnh: Sohu)
Vậy rốt cuộc điểm quyết định của ngôi làng "mê cung" này ở đâu?
Sau một thời gian dài khảo sát, chuyên gia rốt cuộc cũng tìm ra được quy luật trong thiết kế của ngôi làng.
Ngôi làng này có 48 con đường nhỏ, trên mỗi con đường nhỏ này, mọi thứ đều có cách bài trí giống y hệt nhau, bởi vậy nên đi đến đâu cũng thấy giống nơi vừa đi qua. Không chỉ có vậy, cứ cách một đoạn đường lại có xây một ngôi miếu nhỏ, lại có vẻ ngoài giống y hệt nhau.
Nếu không phải những người dân sống trong làng, đã quá quen thuộc với từng ngóc ngách chắc chắn không thể phân biệt nổi.
Sau khi vẽ xong thiết kế của ngôi làng, chuyên gia còn phát hiện ra một điều thú vị: nếu lấy ao nước giữa làng làm trung tâm, kết hợp với 5 con đường chính trong làng, sẽ tạo thành kết cấu hình hoa mai, chia ngôi làng ra làm 5 khu vực nhỏ. Trong 5 khu vực nhỏ này lại có những con đường chồng chéo giống y hệt nhau.
Kết cấu "hoa mai" khiến ngôi làng thêm đặc biệt (Ảnh: Hoa mai đỏ Trung Quốc)
Người dân trong làng cho biết, ngôi làng này đã có lịch sử hàng trăm năm. Năm Hồng Vũ thứ 13 (1380) nhà Minh, những người đầu tiên đến lập làng đã thiết kế ra kiểu kiến trúc hoa mai này. Có thể nhận ra rằng đây chính là thiết kế mê cung để chống cướp.
Ngoài ra, người xưa còn lưu truyền một loại khí cụ giúp trao đổi, truyền đạt thông tin nhanh chóng ở trong làng, song loại khí cụ này đã bị thất truyền do người trưởng làng đã mất trong chiến tranh.