Cơ quan Vũ trụ Nga (ROSCOSMOS) mới đây công bố kế hoạch chi hơn 52 triệu USD cho việc phát triển tàu vận tải vũ trụ chạy bằng năng lượng hạt nhân để phục vụ các chuyến bay vũ trụ đến các hành tinh trong Hệ Mặt Trời.
|
Nga mang tham vọng thám hiểm chuỗi vệ tinh, hành tinh trong một chuyến bay vũ trụ. Ảnh minh họa |
Mục đích của dự án là nghiên cứu phát triển tổ hợp vận tải năng lượng dạng module, hoạt động trong vũ trụ, chạy bằng năng lượng hạt nhân. Số tiền 52 triệu USD được chi để thực hiện một dự án sơ bộ thuộc chương trình chế tạo thử nghiệm mang tên Nuclon
Alexander Bloshenko, Giám đốc chương trình và khoa học tiên tiến của ROSCOSMOS cho biết, vào cuối năm 2020, Tập đoàn vũ trụ nhà nước ROSCOSMOS của Nga sẽ ký hợp đồng thiết kế con tàu phức hợp không gian chứa một tàu kéo không gian được gắn thêm lò phản ứng hạt nhân.
"Hợp đồng thiết kế sơ bộ của khu phức hợp không gian Nuclon sẽ được ký vào cuối năm nay. Một tàu kéo không gian được trang bị lò phản ứng hạt nhân, được sử dụng cho các sứ mệnh tới các hành tinh xa xôi của hệ mặt trời. Nhiệm vụ đầu tiên của nó là dự kiến vào năm 2030" - ông Bloshenko nói với TASS.
Theo kế hoạch tàu kéo không gian tương lai sẽ có khả năng tạo ra năng lượng ở chế độ tự trị, với sự trợ giúp của một lò phản ứng hạt nhân cấp megawatt.
Phát biểu về chuyến bay đầu tiên của Nuclon, quan chức này cho biết thay vì phóng thử nghiệm, hành trình đầu tiên của Nuklon sẽ là một "sứ mệnh khoa học chính thức".
Ở giai đoạn đầu tiên của sứ mệnh vào năm 2030, tàu kéo không gian sẽ cập bến Mặt Trăng. Con tàu sẽ đưa một thiết bị xuống viễn thám Mặt Trăng cùng một vệ tinh nghiên cứu lên quỹ đạo Mặt Trăng.
Ở giai đoạn 2 của cuộc hành trình không gian, Nuclon sẽ đến Sao Kim với khả năng là sẽ được tiếp nhiên liệu bằng xenon trên đường đi.
"Khi đến Sao Kim, một vệ tinh nghiên cứu cũng sẽ tách khỏi module tải trọng, trong khi bản thân tàu kéo và các thiết bị khoa học còn lại sẽ được hỗ trợ trọng lực bởi một động cơ trên con tàu và bắt đầu giai đoạn 3 của sứ mệnh khoa học: hành trình đến điểm đích cuối cùng của nó là một trong những vệ tinh của Sao Mộc" - ông Bloshenko nói thêm.
Vào tháng 7, ông Dmitry Rogozin, Tổng giám đốc Roscosmos cho biết Nga đang tích cực phát triển động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân để trong tương lai đưa tàu vũ trụ hạng nặng đến các hành tinh khác trong Hệ Mặt trời và xa hơn nữa.
Hiện đội ngũ chuyên gia từ các doanh nghiệp thuộc Roscosmos đang nghiên cứu dự án module vận tải năng lượng (TEM) trên cơ sở trạm điện hạt nhân lớp megawatt. Theo kế hoạch, khu phức hợp kỹ thuật để nghiên cứu chế tạo các vệ tinh TEM sẽ được xây dựng tại sân bay vũ trụ Vostochny và đi vào hoạt động vào năm 2030.
Vào tháng 1/2020, trong bài thuyết trình của ông Yury Urlichich, Phó Tổng Giám đốc thứ nhất của Roscosmos đã đề cập đến kế hoạch phóng tàu lai dắt vũ trụ hạt nhân lên quỹ đạo vào năm 2030 để bay thử nghiệm. Sau khi thử nghiệm công trình này sẽ lên kế hoạch bắt đầu sản xuất hàng loạt và vận hành thương mại.